Cơ sở thẩm mỹ nào được sử dụng thuốc gây mê, gây tê?

08/12/2022 19:10:15

Hành vi cố tình sử dụng thuốc gây mê, gây tê sai quy định của các cơ sở thẩm mỹ có thể khiến khách hàng đối mặt với nguy cơ ngộ độc, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.

Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ và 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở làm đẹp thuộc nhóm 1.

Cơ sở phun xăm không được sử dụng thuốc tê dạng tiêm

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm khác nhau. 

Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Nhóm này hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế và hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì.

Thực tế, Thanh tra Sở đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ,… với thuốc gây tê, thậm chí đã xảy ra sốc phản vệ.

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da.

Các cơ sở này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cũng từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (có thể là bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ.)

Với nhóm này, ngoài giấy phép kinh doanh, bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Hầu hết cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại nhóm 3 đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt.

Cơ sở thẩm mỹ nào được sử dụng thuốc gây mê, gây tê?
Cơ sở thẩm mỹ nơi người phụ nữ 25 tuổi ở TP.HCM vừa tử vong nghi sốc phản vệ  . Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Nguy cơ ngộ độc và sốc phản vệ thuốc gây tê, gây mê

Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, thuốc tê được sử dụng rất phổ biến trong y khoa, đặc biệt là lĩnh vực thẩm mỹ da, thẩm mỹ nội khoa.

Một số can thiệp như xăm, xóa xăm, tạo lỗ khuyên tai, giảm đau khi laser, sẹo lồi… có thể dùng thuốc tê dạng thoa (bôi). Tại bệnh viện, thuốc tê dạng thoa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nồng độ từ 5% đến 10%. Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn rao bán thuốc tê hàng xách tay có nồng độ cao, có thể lên đến 75%.

Thuốc tê ngoài da có thể xảy ra tình trạng ngộ độc (do nồng độ cao, diện tích bôi tê rộng, kỹ thuật sai) hoặc có thể bị sốc (phản ứng của cơ thể) nhưng khá hiếm. “Trong trường hợp bệnh nhân có bệnh nền tim mạch, nguy cơ này sẽ cao hơn”, ông nói.

Theo các bác sĩ, sốc hay ngộ độc thuốc tê thường xảy ra khi tiêm. Do đó, người bệnh/khách hàng phải được thử tê bằng cách tiêm thử một liều rất ít. Khi xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, đỏ, ngứa, cần xử trí ngay theo quy trình. “Bắt buộc phải theo dõi sau khi bệnh nhân được gây tê dù là bôi hay tiêm”, bác sĩ Thịnh nói.

PGS.BS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho biết sốc phản vệ một phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi có chất lạ vào cơ thể.  

Bệnh nhân sốc phản vệ với thuốc gây mê có thể gây ức chế hô hấp, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, lên cơn ngưng tim ngưng thở… Nếu không xử trí kịp thời, đúng phác đồ, bệnh nhân có thể tử vong. 

Trước khi thực hiện thủ thuật/phẫu thuật có gây tê/mê, bệnh nhân phải được khai thác đầy đủ tiền sử dị ứng, đo huyết áp, thực hiện các xét nghiệm... để đảm bảo an toàn. Việc sử dụng thuốc gây mê phải được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo bài bản chuyên khoa gây mê hồi sức. 

Nguy cơ sốc phản vệ có thể nghiêm trọng hơn hơn nếu người hành nghề không có trình độ chuyên môn hay chứng chỉ hành nghề; cơ sở thực hiện thẩm mỹ không phép, không có phương tiện sơ cấp cứu… 

Cơ sở thẩm mỹ "biến mất" sau khi khách hàng tử vong

Theo Sở Y tế TP.HCM, nạn nhân là chị N.T.P, 25 tuổi ngụ tại quận 10. Ngày 26/11, chị P. đến một cơ sở thẩm mỹ tên "Key Beauty Center" để đốt mỡ 2 cánh tay và ngực trái.

Hồ sơ ghi nhận, bác sĩ đã tiêm các loại thuốc an thần, giảm đau, gây tê, gây mê cho bệnh nhân để chuẩn bị tiền phẫu. Sau đó, chị P. bất ngờ bị tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn. Ngày 29/11, nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán sốc phản vệ, nghi do tiêm thuốc gây tê, gây mê.

Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở thẩm mỹ "Key Beauty Center". Tuy nhiên, người thuê nhà đã dọn đi từ ngày 1/12, biển hiệu đã tháo gỡ, còn sót lại một bàn phẫu thuật. 

Theo Linh Giao (VietNamNet)