Cây đa sộp “quái thú” được xác định khai thác tại thôn Giang Hòa, xã Tam Giang (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bị giữ tại Thừa Thiên Huế. Ông Ngô Hữu Quý, Phó chủ tịch UBND xã xác nhận, có trường hợp ông Nguyễn Ngọc Chung ở thôn Giang Hòa xin khai thác cây đa sộp.
Đơn xin khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản của ông Chung do chính ông Quý ký.
Theo ông Quý, xã Tam Giang không còn rừng, cây đa sộp ông Chung xin khai thác nằm trên đất rẫy gia đình đã được cấp sổ đỏ.
“Giấy khai thác xin vào ngày 5/3, đến 21/3 thì cây được vận chuyển ra khỏi địa phương” - ông Quý thông tin.
Hiện trường khai thác nằm cách trụ sở UBND xã Tam Giang khoảng 2km, cạnh một con suối cạn. Rất nhiều khúc gỗ, cành nhánh, rễ cây đa bị cắt, vứt bỏ lại trên rẫy, chất đống dưới lòng suối.
Chủ rẫy, ông Nguyễn Ngọc Chung kể, cây đa sộp tồn tại trên khu rẫy hơn 3 sào hàng chục năm nay.
Cách đây khoảng 1 tháng, có người đến gặp ông hỏi mua cây này để tặng cho chùa.
Theo ông Chung, do thấy cây đa lớn, che kín một góc rẫy, ảnh hưởng đến cây trồng và cũng muốn chuyển đổi cây trồng nên ông đồng ý bán.
“Người mua cầm đến một tập giấy tờ, bảo tôi ký vào, mọi thủ tục xin khai thác, vận chuyển họ tự lo” - ông Chung kể.
Sau khi khai thác, người này đưa cho ông Chung 10 triệu đồng.
Người này đã huy động 4 xe cơ giới là máy múc, máy kéo cùng nhiều người vào đào, cắt cây trong 4 ngày rồi vận chuyển ra ngoài.
Do khu rẫy nằm sát dưới suối, không có đường vào nên người khai thác xin mở một con đường đất dài khoảng 10m đi qua rẫy của 2 hộ khác. Họ trả cho các hộ này 13-14 triệu đồng bồi thường thiệt hại cây trồng.
“Tôi nghe họ nói tặng cây này cho chùa ở dưới Củ Chi, sau lại nghe tặng chùa ở Hà Nội. Thực chất họ vận chuyển đi đâu, tôi không rõ” - ông Chung quả quyết.
Xe chở cây không quá khổ, quá tải, xuất trình đủ giấy tờ
Cây đa sộp tại xã Tam Giang (huyện Krông Năng) sau khi khai thác đã được vận chuyển theo QL29 rồi ra QL26 chạy qua các huyện Ea Kar, M’Đrắk (Đắk Lắk) trước khi xuôi về Khánh Hòa theo QL1A vận chuyển ra Bắc.
Ngày 22/3, khi đến huyện Ea Kar, xe rơ-mooc bị kiểm lâm huyện và lực lượng CSGT, Công an huyện Ea Kar yêu cầu dừng kiểm tra.
Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar xác nhận có vụ kiểm tra trên. Tuy nhiên, lái xe cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây nên đơn vị không lập biên bản xử phạt và cho đi.
Một cán bộ Đội CSGT (Công an huyện Ea Kar) cũng xác nhận, ngày 22/3 có kiểm tra một xe rơ-mooc chở cây cổ thụ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đo đếm không phát hiện xe chở quá khổ, quá tải, đồng thời lái xe xuất trình đầy đủ giấy tờ nguồn gốc cây nên lực lượng CSGT không lập biên bản xử lý được và cho đi.
Vị này cũng cung cấp hình ảnh chụp lại rơ-mooc BKS 73R-00.291 chở cây đa sộp và khẳng định không chở quá khổ, quá tải.
Phóng viên đã cung cấp hình ảnh một xe đầu kéo chở theo cây cảnh “quái thú” vượt đèo Phượng Hoàng trên QL26 về Khánh Hòa cho lãnh đạo Đội CSGT huyện để đối chiếu.
Vị này khẳng định, qua đối chiếu hình ảnh thì đây không phải là xe chở cây mà đội kiểm tra.
Theo vị này tiết lộ, có tình trạng vận chuyển cây cổ thụ qua QL 26, việc vận chuyển chủ yếu diễn ra vào đêm khuya. Theo phân cấp, QL26 do lực lượng CSGT (Phòng CSGT Công an tỉnh) quản lý nên cấp huyện không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Trong khi đó, một lãnh đạo Đội CSGT (Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk) quản lý tuyến QL26 cho biết đang cho rà soát hồ sơ xử lý thời gian gần đây xem có trường hợp xe chở cây cổ thụ quá khổ, quá tải nào bị xử phạt hay không.
Tại Hà Nội, trả lời ở họp báo hôm nay về cây khủng được vận chuyển dọc QL1 những ngày qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, những cây khổng lồ như vậy được vận chuyển hàng trăm km trên QL1 là việc không bình thường.
"Tôi đã yêu cầu Kiểm lâm tiếp tục làm rõ, báo cáo nghiêm túc về Bộ NN&PTNT, nếu ai đó có sai phạm, tiếp tay thì phải xử lý", Thứ trưởng nói.
Theo Trùng Dương (VietNamNet)