Chiều nay, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (Đắk Lắk) Nguyễn Văn Tiếp cho biết, vừa kiểm tra và phát hiện tại địa phương có trường hợp bán cây cảnh có nguồn gốc cây rừng.
Theo ông Tiếp, từ thông tin báo chí đăng tải, Hạt kiểm lâm tiến hành kiểm tra và phát hiện ông Nguyễn Ngọc Chung (trú thôn Giang Hà, xã Tam Giang) có đào bán một cây đa sộp.
Hôm 5/3, ông Chung có đơn xin khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản gửi UBND xã Tam Giang.
Trong đơn, ông cho biết, cây đa sộp nằm trên đất rẫy gây ảnh hưởng đến hoa màu nên xin khai thác để chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế.
Cây đa sộp khai thác có chiều cao 14m và đường kính 1,3m. Đơn xin khai thác của ông Chung được UBND xã Tam Giang xác nhận.
Theo ông Tiếp, ông Chung cho biết sau khi khai thác thì tặng cây đa sộp trên cho một ngôi chùa ở Hà Nội, tên ngôi chùa ông Chung không nhớ. Ông Tiếp khẳng định: Qua kiểm tra, phát hiện một trường hợp bán cây cảnh ở xã Tam Giang.
Theo lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng, việc người dân xin khai thác, vận chuyển cây cảnh có nguồn gốc từ rừng, pháp luật không cấm.
“Nghị định 39 của Chính phủ quy định về việc khai thác, buôn bán cây cảnh, theo đó cây rừng có nguồn gốc người dân được quyền khai thác, buôn bán như những cây cảnh bình thường. Việc khai thác này phải được chính quyền địa phương xác nhận” - ông Tiếp cho hay.
Về phần mình, một lãnh đạo Đội CSGT (thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đang cho rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm tra, xử lý xe quá khổ quá tải qua quốc lộ 26 để xem có trường hợp vận chuyển cây cảnh "quái thú” nào bị phát hiện, xử lý hay không.
Săn cây rừng "khủng" làm cảnh
Theo tìm hiểu của VietNamNet, tại khu vực Tây Nguyên có tình trạng săn cây rừng "khủng” làm cảnh.
Các đầu nậu chuyên mua bán cây cảnh sẽ thuê người lùng sục vào các thôn, buôn tìm những cây rừng còn sót lại trên đất rẫy người dân rồi ngã giá mua bán.
Các đối tượng sẽ hướng dẫn người dân cách thức làm thủ tục xin khai thác, tận thu, tận dụng cây rừng trình chính quyền địa phương ký duyệt. Khi được cơ quan chức năng đồng ý, các đầu nậu sẽ huy động xe múc, xe ủi đào cây vận chuyển đi tiêu tụ.
Cách đây không lâu, Điện lực huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) báo cáo trường hợp người dân khai thác cây cảnh nguồn gốc từ rừng làm đứt dây diện tại xã Cư Suê, gây thiệt hại cho ngành điện.
Chủ cây và đơn vị khai khai thác sau đó đã thỏa thuận khắc phục thiệt hại cho ngành điện. UBND huyện Cư M’gar đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý, cấm việc đào bán cây có nguồn gốc từ rừng.
Theo Trùng Dương (VietNamNet)