Chính sách mới về hộ chiếu gắn chip, thu chi tiền công đức... có hiệu lực từ tháng 3/2023

01/03/2023 10:09:06

Nhiều chính sách, quy định mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2023 liên quan đến viên chức ngành đăng kiểm, cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, quản lý tiền công đức,…

Bộ Công an cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân Việt Nam

Từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, bị làm giả.

Theo Bộ Công an, chip điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu.

Chính sách mới về hộ chiếu gắn chip, thu chi tiền công đức... có hiệu lực từ tháng 3/2023
Mẫu hộ chiếu gắn chip sẽ được Bộ Công an cấp cho công dân từ ngày 1/3 (Ảnh: Dân Trí).

Từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Quy định mới về quản lý tiền công đức

Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Thông tư quy định việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoặc sở hữu tư nhân thì người đại diện hoặc chủ sở hữu cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Chính sách mới về hộ chiếu gắn chip, thu chi tiền công đức... có hiệu lực từ tháng 3/2023 - 1
Quy định mới về quản lý tiền công đức có hiệu lực từ ngày 19/3 (Ảnh: VGP).

Viên chức đăng kiểm không được lạm dụng vị trí công tác để trục lợi

Thông tư 45/2022 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành đăng kiểm có hiệu lực từ ngày 1/3.

Thông tư quy định, viên chức ngành đăng kiểm phải chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp.

Đồng thời có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi…

Thông tư 45 quy định viên chức chuyên ngành đăng kiểm được xếp lương như sau:

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Khi nào được vắng mặt khám tuyển nghĩa vụ quân sự

Thông tư 07/2023 của Bộ Quốc phòng, hiệu lực từ ngày 14/3, quy định cụ thể 5 lý do chính đáng để không bị phạt khi vắng mặt trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, hoặc không có mặt đúng thời gian, địa điểm tập trung nhập ngũ.

Chính sách mới về hộ chiếu gắn chip, thu chi tiền công đức... có hiệu lực từ tháng 3/2023 - 2
Các tân binh lên đường nhập ngũ (Ảnh Thanh Niên)

Thứ nhất là người thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (có xác nhận cơ quan y tế, hoặc chính quyền địa phương).

Hai là thân nhân gồm cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Ba là thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

Bốn là nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ hoặc thân nhân nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Năm là người thực hiện nghĩa vụ không nhận được lệnh hoặc nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.

Tăng mức bồi dưỡng cho lao động trong điều kiện nguy hiểm

Thông tư 24/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiệu lực từ 1/3, quy định 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Mức 1 là 13.000 đồng/ngày, tăng 3.000 đồng so với hiện hành. Mức 2 tăng từ 15.000 lên 20.000. Mức 3 từ 20.000 lên 26.000 và mức 4 từ 25.000 lên 32.000 đồng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định hơn 1.800 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực. Các lĩnh vực bao gồm khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng; vệ sinh môi trường; sản xuất xi măng; y tế và dược; da giày, dệt may; hàng không...

 

Chính sách mới về nhân sự và việc làm

Chính sách mới về nhân sự và việc làm như: Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại địa phương... bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.

Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3/2023, hướng dẫn về hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQL trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.

Cơ cấu hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên hội đồng quản lý từ 5 - 11 người, gồm Chủ tịch hội đồng quản lý, thư ký hội đồng quản lý và các thành viên hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản lý không quá 5 năm.

7 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực khoa học - công nghệ tại địa phương

Thông tư 20/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) có hiệu lực từ ngày 15/3/2023, quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực KH-CN tại chính quyền địa phương.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH-CN tại địa phương bao gồm: Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN; Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ; Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân; Hoạt động sở hữu trí tuệ; Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH-CN; Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN; Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức KH-CN; Cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH-CN; Hợp tác, trao đổi KH-CN có yếu tố nước ngoài.

NT (Nguoiduatin.vn)