Trưa ngày 12/10 có mặt tại trạm thu phí Hòa Vang (Đà Nẵng) điểm đầu vào tuyến đường cao tốc có tổng vốn hơn 34.000 tỷ đồng, việc lưu thông xe cộ qua trạm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên thay vì mua thẻ vào đường cao tốc như trước, nhiều tài xế bất ngờ vì barie được dỡ sẵn, ô tô vào đường cao tốc thoải mái.
Các tài xế địa phương đã biết tin “xả trạm” nên vô tư bóp còi, phóng qua. Tuy nhiên, nhiều lái xe đường dài, xe khách Bắc Nam không hay biết vẫn ý thức giảm tốc độ, dừng xe ở trạm để nhận thẻ vào đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc này bố trí đội ngũ nhân viên túc trực để kịp thời hướng dẫn nhắc nhở lái xe không phải nộp phí. Nhân viên thu phí cũng thảnh thơi hơn những ngày thường, nhiệm vụ của họ chỉ vẫy tay ra hiệu tài xế cho xe đi qua trạm.
Anh Lê Văn Huy (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) một tài xế cho biết: Việc ngừng thu phí khiến tài xế chúng tôi đỡ một phần phí nên rất vui.
Tuy nhiên, nhiều vị trí trên tuyến đường này hư hỏng, xuất hiện ổ gà, nên rất lo sợ mỗi khi chạy xe với tốc độ cao.
Một nam nhân viên làm việc tại trạm thu phí Hòa Vang hướng dẫn một xe quá tải, quá khổ đi vào làn ngoài cùng để nhập đường cao tốc chạy “miễn phí”.
Anh này cho biết: lưu lượng xe vào đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tùy theo ngày. Riêng trong ngày hôm qua (12/10) số lượng xe qua trạm nhiều hơn vì thông tin “xả trạm” trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều người biết.
Tại các trạm thu phí khác dọc tuyến đường cao tốc này, việc thu phí cũng đã được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tất cả đều đồng loạt “xả trạm”.
Sau “vá”, mặt đường tiếp tục bong tróc.
Trước đó, khi báo chí phản ánh về hiện tượng hư hỏng trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc BQL dự án đường cao tốc này lý giải nguyên nhân hư hỏng, bong tróc mặt đường cao tốc là do một số vị trí độ dính bám của lớp bê tông nhựa, đặc biệt lớp bê tông nhựa tạo nhám rất mỏng và đa phần độ dính bám không được tốt, có thể do trong quá trình thi công vệ sinh chưa kỹ để bụi bẩn bám trên bề mặt lớp bê tông nhựa bình thường.
Nguyên nhân thứ 2 do phương tiện lưu thông trên cao tốc làm... rơi vãi dầu diesel. Và do mưa đọng cục bộ tại một số vị trí thấp trũng. Trong khi đó, tuyến đường chưa có trạm cân trọng tải, xe quá tải lưu thông nhiều nên làm bong tróc lớp nhựa bê tông.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã bác bỏ ý kiến trên, đồng thời khẳng định “việc hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải do mưa nhiều hay thời tiết tác động làm hư hỏng, cũng không phải do xe quá tải trọng chạy nhiều mà do chất lượng thi công”.
Từ ngày 10/10, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã cho công nhân sửa chữa các “ổ gà” trên tuyến đường này. Tuy nhiên, việc sửa chữa hết sức sơ sài và thủ công. Các công nhân dùng búa và đục, để đục bay lớp thảm nhựa ở vị trí hư hỏng, sau đó đổ thảm nhựa bê tông rồi dùng đầm tay để đầm, tạo mặt bằng.
Trước việc sử dụng “công nghệ” sửa đường cao tốc kiểu này, ông Trần Dân (Phó chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng) cho rằng: Nếu “vá” đường cao tốc không đúng cách, vật liệu không tương thích sẽ có xu hướng sớm hư hỏng lại; cần khắc phục, sửa chữa hư hỏng một cách triệt để, không nên chắp vá kiểu thủ công; đưa kỹ thuật, công nghệ vào sửa chữa để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Ngày 12/10, phóng viên Tiền Phong có mặt tại km27 hướng Quảng Ngãi - Đà Nẵng, nơi có một số vị trí bong tróc, ổ gà đã được BQL dự án “sửa chữa” trước đó 2 ngày. Tuy nhiên, sau trận mưa, các vị trí đều tụ đọng nước và tiếp tục bong tróc. Cá biệt, một số vị trí, dùng tay không có thể bóc được bề mặt bê tông nhựa một cách dễ dàng.
Trong khi đó, ghi nhận dọc cao tốc này, sau cơn mưa nhỏ sáng ngày 12/10, nhiều vị trí đọng nước, mặt đường thấm đen nhiều vị trí. Không ít tài xế tỏ ra không an tâm với cách khắc phục cũng như chất lượng mặt đường của đường cao tốc.
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)