Chốn cư ngụ bình yên của người dân Sài Gòn
Từ một xóm lao động với khoảng hơn 500 hộ dân sinh sống, sau khi có quyết định giải tỏa, hầu hết người dân đều dọn đi nơi khác để sinh sống, nhiều căn nhà đã bị đập chỉ còn lại khung sắt, ngổn ngang đất đá, rác thải.
9h sáng, chúng tôi men theo con đường nhỏ dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM), tìm vào xóm "Bố Già", nơi diễn ra bối cảnh chính trong bộ phim đình đám của nghệ sĩ Trấn Thành. Khác với sự náo nhiệt, rộn rã của xóm lao động trên phim ảnh, nhịp sống chậm rãi, bình yên của người dân khiến chúng tôi có chút ngỡ ngàng.
Sau nhiều tháng nhường lại một phần không gian để phục vụ cho đoàn làm phim, người dân nơi đây quay về với nhịp sống cũ, mỗi người một công việc.
Ngồi trước cửa hàng bán đồ ăn sáng, cô Nhung (56 tuổi) cho biết, vì lý do không thỏa thuận được giá tiền đền bù, cả gia đình 5 người của cô chấp nhận sống tạm bợ trong căn nhà cũ tại cù lao Nguyễn Kiệu mà không di dời đi nơi khác. Việc các đoàn phim hay lui tới mượn bối cảnh để quay khiến không khí tại xóm cù lao đỡ cô quạnh hơn rất nhiều.
"Nhà hồi xưa ở đây người ta đập hết rồi, cũng có người sau khi rời đi sống không nổi lại quay về ở tạm. Trấn Thành đến quay phim trúng đợt nước ngập, ở đây 4 mặt đều là nước nên cứ thủy triều lên là ngập dữ lắm", cô Nhung vui vẻ nói.
Theo cô Nhung, trước đoàn làm phim của Trấn Thành cũng có nhiều đoàn phim đến để quay, người dân cù lao ai nấy đều vui vẻ, hỗ trợ hết mình cho đoàn phim. Một phần vì được gặp nghệ sĩ, phần khác người dân cũng tự hào cho vùng đất mình đang sinh sống, có người ra vô cũng đỡ buồn tẻ hơn.
"Phim của Trấn Thành quay chỗ kia kìa, họ che chợ lại thấy đông vui lắm. Hôm trước cô đi coi phim, cảnh chợ khiến cô nhớ lại khung cảnh của vùng cù lao hồi xưa, nhớ lắm, hồi đó tận mấy trăm hộ, giờ chỉ còn bấy nhiêu", cô Nhung tâm sự.
Đa phần người dân ở cù lao đều làm công việc chân tay, có người đi giúp việc cho các chung cư gần nhà theo giờ, có người buôn bán nhỏ lẻ, bốc vác…, ai nấy đều tất bật để lo cho cuộc sống mưu sinh. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng hễ có đoàn làm phim đến, cần gì người dân ở cù lao đều nhiệt tình hỗ trợ.
Người dân hào sảng, luôn hỗ trợ hết mình khi có đoàn đến quay phim
Ngồi trước căn nhà cũ của mình, hớp ngụm nước trà rồi nở nụ cười khoan khoái, chú Phan Hoàng Lâm (68 tuổi) cho biết từng có rất nhiều đoàn đến vùng cù lao để quay phim. Nhắc đến Bố Già, chú Lâm hào hứng kể.
"Dân ở đây vui lắm mỗi khi có đoàn phim đến, người dân ủng hộ Trấn Thành cũng nhiều, bởi nó nổi tiếng mà. Đoàn làm phim đến mang nhiều niềm vui, cái lợi cho người dân, lại khiến cuộc sống rộn rã hơn.
Như lần trước quay phim Trấn Thành, xe ve chai đoàn phim cũng mua, mái tôn cũ của chú cũng được mua để dựng cảnh trong phim, người dân thì được đóng vai quần chúng, dù tiền không bao nhiêu nhưng được lên phim ai nấy đều vui vẻ, gặp nghệ sĩ nữa", nói đoạn, chú Lâm trầm ngâm, vẻ tiếc nuối.
"Có điều Trấn Thành khó gần quá, lúc nào đi tới đây cũng có người theo kè kè, không cho ai tiếp xúc cả, nó cũng không giao lưu gì với người dân. Thời gian của nó là tiền bạc mà, mình đâu có trách vấn đề đó được, chỉ có hơi xa rời quần chúng một chút thôi".
Theo chú Lâm, khi biết thông tin bộ phim của Trấn Thành mang về doanh thu hơn 300 tỷ sau 2 tuần công chiếu, bản thân chú cũng như người dân cù lao đều mừng cho Trấn Thành. Dù cho đoàn phim đến cũng có chút phiền hà, làm xáo trộn cuộc sống của người dân nhưng ai nấy đều vui vẻ chấp nhận, hỗ trợ hết mình cho đoàn phim.
"Có khi quay khuya quá, la hét lên cho đạt thì người dân đang ngủ lại giật mình. Nhưng ai cũng thông cảm, vì đó là nghệ thuật mà, phiền hà có chứ, nhưng phiền hà thì ít mà vui vẻ thì nhiều. Mấy ngày nay cũng có nhiều người vô đây kiếm nhà của Trấn Thành (bối cảnh theo như trên phim) nhưng không ra, vì nó dựng cảnh rồi dỡ ra rồi", chú Lâm cười nói.
Dù biết có đoàn đến quay phim sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, nhất là đối với người già cả, ốm đau bệnh tật…, nhưng với người dân cù lao Nguyễn Kiệu, họ đều hết mình, dành tình cảm tốt nhất, thân thương nhất cho các đoàn phim.
"Bộ phim của Trấn Thành vui mà hay, chú thấy nhiều cái đúng với gia đình mình. Hồi xưa đến giờ các tác phẩm kia đều sang trọng, bộ phim Trấn Thành lại gần gũi với người dân. Khai thác tâm lý người lao động hay quá…, chú thấy thấp thoáng bóng dáng của mình, cuộc đời của mình trong đó.
Bộ phim tác động rất tốt, như con chú sau khi đi coi phim với bạn, nó tự động về nhà làm việc nhà chứ trước kia có đâu", một người dân trong hẻm hồ hởi khi nhắc đến Bố Già.
Theo An Yên - Hải Ô (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)