Tính đến hết ngày 18/03, bộ phim điện ảnh Bố Già đã liên tục lập kỉ lục rồi lại tự xô đổ kỉ lục của chính mình trước khi tạo ra kỉ lục mới nhất và cao nhất phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại và đạt doanh thu hơn 250 tỷ trong thời gian ngắn nhất.
Vừa qua, ê-kíp của phim đã đăng tải poster với ý định thông báo tin vui đến quý vị khán giả rằng hiện tác phẩm phim tiếp tục phá kỷ lục của chính mình chỉ trong vòng một ngày. Cụ thể, ngày 06/03, Bố Già thu về hơn 22 tỷ đồng, 07/03 là 30 tỷ đồng, 13/03 là 31 tỷ đồng và 14/03 là 34,2 tỷ.
Bố Già nhận về không ít lời khen vì nội dung phim cảm động nhưng vừa đủ, những tình tiết phim có sự đan xen giữa cảnh cảm động và hài hước, cứ thế lặp đi lặp lại làm cho người xem cảm giác thoải mái, những cú twist xuất hiện không quá nhiều so với thời gian hơn 2 tiếng nhưng cũng đủ làm khán giả thấy sướng khi thưởng thức bộ phim và đánh trúng tâm lý giữa hai khoảng cách thế hệ khi người lớn luôn mong sự ổn định, đối với họ đủ ăn đủ mặc, ăn để sống qua ngày là cảm thấy ấm no hạnh phúc và với những đứa con của thế hệ đi sau, các cô cậu luôn muốn bay xa bay cao, muốn đương đầu với nhiều thử thách trong cuộc sống để phát triển bản thân, chính vì những lý do này Bố Già đã hấp dẫn sự quan tâm của khán giả.
Có thể nói, sự thành công của Bố Già ngoài sức hút của mặt truyền thông tốt thì chớ vội quên là nhờ vào sự truyền miệng của chính khán giả xem phim, người ta hay nói một người biết chuyện thì "cả làng" hay tin kéo nhau đi xem ngay và luôn.
Bên cạnh những đánh giá tốt, tình tiết phát triển ổn, một số ý kiến cho rằng Bố Già thành công chỉ vì "ăn may" rất nhiều thứ, có người cho rằng nhờ vào tiếng vang của web-drama Bố Già phát sóng trên nền tảng Youtube thời gian qua nên bộ phim không cần đánh quảng cáo quá nhiều nhưng vẫn được khán giả chọn là "best choice" khi ra rạp, có người lại nói Bố Già rất biết tìm kiếm thời điểm công chiếu vì thời gian đó chưa có quá nhiều phim "bom tấn" đến "nghênh chiến" với anh.
Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến cho rằng, thực chất bản điện ảnh của Bố già xem ở rạp hay trên Netflix hay ở Youtube thì cũng không khác mấy so với webdrama về kết cấu tổ chức, dù nội dung đã thay đổi và làm mới hoàn toàn. Nói một cách khác, Bố già chỉ mới dừng lại ở ‘phim chiếu rạp’ chứ chưa hoàn toàn là ‘phim điện ảnh’ - giàu tính điện ảnh trong đó.
Bố Già là một bộ phim thiên về đề tài tình cảm gia đình mang đầy tính nhân văn, giàu ý nghĩa, khán giả cảm nhận cuộc sống với nhiều cung bậc cảm xúc cũng như thành công gửi gắm thông điệp đến người xem. Tuy nhiên, để bộ phim điện ảnh này vươn ra quốc tế và mong muốn mang có sự thẩm định chuyên nghiệp của ban giám khảo của các liên hoan phim quốc tế là một điều khá khó khăn vì đây không phải là một phim nghệ thuật cho nên đây chính là điểm trừ của Bố Già.
Nhiều người xem cảm thấy mạch phim bị lan man khi mâu thuẫn giữa hai cha con Ba Sang - Quắn bị cho là "cải lương" và kịch hóa ở khá nhiều phân đoạn hay có người xem nói rằng bạn sẽ thấy phim hay tuyệt nếu bỏ qua yếu tố xây dựng nhân vật, nhịp phim, xây dựng cao trào, tháo gỡ nút thắt, hiệu ứng thị giác.
Cô đọng, súc tích, nhiều tầng ý nghĩa và để lại những câu hỏi, những ‘quả trứng phục sinh’, những ẩn ý để mọi người phải xem đi xem lại, phải ngồi lại để cùng nhau phân tích mổ xẻ, để bình luận về ý đồ của đạo diễn trong góc máy, khung hình... Đó là những điều thường thấy ở một phim điện ảnh nghệ thuật, những tác phẩm xuất hiện tại các liên hoan phim - lễ trao giải quốc tế lừng lẫy, nhưng chưa thấy ở phim Bố già 2021.
Nhìn thấy sự thành công của Bố Già, nhiều người vẫn cảm thấy quan ngại cho tương lai của nền điện ảnh Việt Nam dù trước đó và tính cả hiện tại có rất nhiều bộ phim đã đạt mốc doanh thu hơn trăm tỷ, vì họ nuôi hi vọng phim Việt sẽ có một vị trí trong nền điện ảnh thế giới, nhận được sự công nhận của các nhà phê bình phim nổi tiếng giống như Ký sinh trùng đã từng đạt được trên các liên hoan phim quốc tế.
Về phần Bố Già dù gây hiệu ứng về tình cảm gia đình nhưng mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Nhưng không may thay, tác phẩm phim đạt gần 300 trăm tỷ hiện tại lại là một tác phẩm nghiêng về mặt thị trường hơn chứ không đậm dấu ấn nghệ thuật như Mắt biếc, Song Lang hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để có thể tự tin nộp đơn ứng cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài của Oscar hay các lễ trao giải, liên hoan phim quốc tế danh giá khác.
Nhiều nhà sản xuất phim cảm thấy việc mở ra một dự án, "khởi công" một bộ phim mang đầy tính nghệ thuật, nhân văn sẽ gặp nhiều khó khăn khi mang nó ra rạp vì lo sợ những tình tiết mang tính nghệ thuật "thâm sâu" sẽ làm người xem khó hiểu. Tuy nhiên, nếu điện ảnh Việt Nam "dám nghĩ dám làm", tạo ra những bức tranh mang tầm vóc thì tin chắc rằng nghệ thuật thứ bảy của nội địa sẽ có cơ hội tỏa sáng ở đất nước mình thậm chí là vươn tầm quốc tế.
250 tỷ - Con số doanh thu tính đến hiện tại quá xứng đáng để ngợi khen khi nhận được sự ủng hộ từ đông đảo khán giả với đâu đó xấp xỉ 3,2 triệu vé bán ra, nhưng nếu bộ phim đậm tính nghệ thuật hơn để có thể mang ra đấu trường quốc tế, thì hẳn còn danh giá, đáng tự hào hơn nhiều.
Theo Lâm Ngọc Chi (Saostar.vn)