Theo thông tin từ Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, trong số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, 129 hồ sơ thuộc diện phải xem xét lại.
Riêng ngành Y tế có 29 hồ sơ (9 giáo sư và 20 phó giáo sư), trong đó có hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trao đổi với PV sáng 1/3, GS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế năm 2017, nguyên Giám đốc Học viện Quân y - thông tin Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có đơn khiếu nại trong quá trình xét duyệt chức danh giáo sư.
Bị khiếu nại về quản lý, đạo đức
- Thưa GS Phạm Gia Khánh, ông có nhận được thông tin hồ sơ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc diện rà soát lần thứ hai?
- Tổ công tác do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ định tổ trưởng là GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - và tổ phó là ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - chưa làm việc với tôi về vấn đề này. Vì vậy, danh sách ứng viên rà soát lần thứ hai, trong đó có ngành Y, là chưa chính thức.
Nếu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc diện rà soát lần thứ hai, đó là điều bình thường. Khi được hỏi ý kiến, tôi sẽ đồng ý. Thậm chí, rà soát lần thứ hai chưa chắc đã xong, nếu xã hội chưa đồng tình, chúng ta cần làm rõ.
Có trường hợp một vài năm sau khi công nhận giáo sư vẫn phải rà soát nếu có vấn đề, thậm chí bỏ chức danh giáo sư nếu sai phạm. Tôi cho rằng chúng ta cần làm minh bạch, đúng đắn và công khai.
- Vì sao hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải rà soát lần thứ hai?
- Trước đó, Hội đồng ngành Y tế gặp 2 người có đơn thư khiếu nại về trường hợp Bộ trưởng Y tế. Đơn khiếu nại đề cập một số việc liên quan quản lý của bà Tiến như cho cán bộ nghỉ hưu, thuốc có vấn đề và các vấn đề chung trong ngành.
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã gửi Bộ Y tế để giải quyết, bởi trong việc phong giáo sư, đây là những vấn đề “mềm” khi thuộc về đạo đức, quản lý. Còn lại, các vấn đề thuộc phần “cứng” như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bà Tiến thừa tiêu chuẩn.
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được phong tặng Thầy thuốc Nhân dân nghĩa là phải đảm bảo về tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức?
- Đợt rà soát lần thứ nhất kéo dài 10 ngày với sự giám sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT. Theo chỉ đạo, hội đồng sẽ rà soát đối tượng bị khiếu nại, đối tượng thanh tra phản biện, đối tượng là giảng viên kiêm nhiệm các đơn vị quản lý, bộ trưởng, thứ trưởng… Bà Tiến thuộc 2 trong số đối tượng này. Lần thứ hai rà soát cũng là một số vấn đề cũ trong đơn khiếu nại.
Theo Tuổi Trẻ, trong danh sách 19 ứng viên bị rà soát, có 11 quan chức ngành Y tế. Đó là bộ trưởng, cục phó, vụ phó, giám đốc sở...
Tất cả nói lên việc bỏ phiếu công nhận chức danh giáo sư cho Bộ trưởng Tiến không dễ dàng. Các thành viên trong hội đồng đã cân nhắc kỹ lưỡng. Số phiếu đạt được không phải 100%, 2-3 người không bỏ phiếu nhưng cũng quá 2/3 số phiếu theo quy định là đạt.
Nếu xét về nghiên cứu khoa học, tôi không đắn đo khi bỏ phiếu cho bà Tiến. Tuy nhiên, đơn khiếu nại cũng là vấn đề phải xem xét, cân nhắc.
- Dư luận đặt câu hỏi bộ trưởng có cần làm giáo sư không? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi khẳng định bộ trưởng không cần làm giáo sư nhưng nếu say mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy thì làm giáo sư là điều đáng quý. Thậm chí, bộ trưởng còn thừa sức làm giáo sư vì những thành tích nghiên cứu khoa học của họ đã có từ mấy chục năm trước.
Bộ trưởng tuy có “trăm công nghìn việc” trong quản lý nhưng cũng không phải "ôm" hết, vì có nhiều thứ trưởng, các cục, vụ trưởng, chuyên viên, giám đốc các bệnh viện, đơn vị giúp việc.
Vì vậy, không thể nói bộ trưởng không có thời gian làm việc khác. Bộ trưởng biết điều hành tốt thì vẫn có thời gian để giảng dạy và nghiên cứu được.
- Tại sao cùng thành tích này, trước kia, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng làm hồ sơ công nhận chức danh giáo sư nhưng không đạt, năm nay lại đạt?
- Trong lần công nhận giáo sư cách đây 4 năm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã qua được hội đồng ngành nhưng lên đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì không đạt.
Trước đây, việc xét giáo sư với ứng viên ngành Y đang làm ở các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó. Ví dụ, trường hợp ông Nguyễn Viết Tiến, ứng viên có hồ sơ khoa học thực sự mạnh, khi đó là thứ trưởng Bộ Y tế. Năm đầu, ông Tiến nộp hồ sơ xét công nhận giáo sư thì hội đồng vẫn không ủng hộ, năm sau ông ấy mới đạt.
Trường hợp bà Tiến cũng tương tự. Năm nay, số thành tích đào tạo của bà Tiến hơn rất nhiều, thành tích cũng rõ nét và nổi bật nên được phong giáo sư.
Quy trình xét duyệt giáo sư không công bằng
- Năm 2017, ngành Y dẫn đầu số lượng ứng viên được công nhận, với 19 giáo sư, 173 phó giáo sư. Ông đánh giá số lượng này ít hay nhiều?
- Số lượng 192 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư ở ngành Y không phải nhiều so với nhu cầu của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên/ giáo sư, phó giáo sư ở nước ta thấp so với thế giới. Thậm chí, ĐH Y dược Cần Thơ, tỷ lệ này là 1/10.000.
- Ông có băn khoăn gì về việc rà soát giáo sư, phó giáo sư hiện tại?
- Tôi cho rằng việc công nhận xét tiêu chuẩn giáo sư hiện tại có đảm bảo được khách quan, trung thực nhưng không công bằng.
Tôi rất tiếc trong hội đồng ngành Y năm 2017 có hai phó giáo sư rất giỏi, thừa tiêu chuẩn nhưng lại không trúng, bởi quy trình bỏ phiếu kín có "chỗ này chỗ kia".
Việc bỏ phiếu kín trong các hội đồng giáo sư là không công bằng và không chuẩn. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng đều bỏ phiếu công khai hoặc giơ tay biểu quyết khi xét giải thưởng Nhà giáo Nhân dân. Người bầu chọn ứng viên là giáo sư, phó giáo sư cần ký tên mình vào tờ phiếu để thể hiện sự công tâm và minh bạch.
Năm 1996 từng dừng phong giáo sư, phó giáo sư để rà soát
Theo GS Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - năm 1996, ông làm hồ sơ xét duyệt phó giáo sư và đủ tiêu chuẩn. Nhưng do cùng năm đó gặp những vấn đề trong việc phong hàm nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dừng toàn bộ việc xét duyệt để rà soát.
GS Trí cùng nhiều ứng viên khác đã phải dừng lại theo quy định chung. Bấy giờ, các cấp còn đi phát thư xin ý kiến gửi những người là tiến sĩ trở lên để xin ý kiến đóng góp cải tiến việc phong hàm.
"Sau đó, năm 2002 có quy định mới và tôi được công nhận là phó giáo sư. Cùng năm đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng được công nhận là phó giáo sư", ông Trí nhớ lại.
"Tôi thấy đây là điều cần thiết. Chúng ta cần xem xét thật kỹ lưỡng để những ai xứng đáng hay không với danh hiệu giáo sư, phó giáo sư. Tôi quan niệm người giỏi vẫn còn đó, với những ai chưa được phong danh hiệu hãy cứ sống và làm việc để được nhiều người yêu mến và xã hội kính trọng", GS Trí nói.
Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)