Sao Việt Nam mổ giỏi mà rẻ thế!
Y tế là ngành nhạy cảm, người dân rất quan tâm nhưng cũng rất dễ bức xúc. Với hàng loạt các đề án triển khai rốt ráo nhiều năm qua từ thay đổi phong cách, thái độ đến giảm quá tải, xanh sạch đẹp.., những đổi thay bước đầu có như kỳ vọng của Bộ trưởng?
Ngành y vừa qua đã cố gắng thực hiện nhiều đề án để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Như năm 2012, tỉ lệ nằm ghép tại BV tuyến TƯ lên tới 60-65%, tuyến tỉnh 40% nhưng đến nay TƯ chỉ còn dưới 16% ở các chuyên ngành ung bướu, nhi, tuyến tỉnh còn dưới 12%.
Trước 2012, các ca mổ nội soi, thụ tinh nhân tạo, mổ sọ não, chấn thương chỉnh hình hầu hết phải chuyển lên tuyến TƯ nhưng giờ BV tỉnh cũng ghép được thận.
Thời gian chờ đợi cũng giảm, giữa năm vừa rồi áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm tuyến TƯ thì còn giảm nữa.
Bản thân tôi trong ngành nhiều khi cũng không tin được. Nhiều BV huyện thay đổi hẳn, có BV như công viên, trước 2012 toàn ghế đá, ghế nhựa nhưng giờ ghế ngồi như ở sân bay, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ, trước phòng chỉ trải chiếu, có quạt, giờ đầy đủ máy lạnh.
Ngày xưa vào BV như ma trận, hỏi thì nhân viên không trả lời, thậm chí quát tháo, giờ đã có loa thông báo, có người tiếp đón, hướng dẫn.
Đường dây nóng những ngày đầu có mấy ngàn cuộc gọi phản ánh, đã xử lý hơn 7.000 cán bộ và giờ giảm rất nhiều. BV cũng có camera khắp nơi.
Bạn tôi người nước ngoài sang BV Chợ Rẫy phẫu thuật. Khi sang Mỹ, nhiều chuyên gia khen: “Sao Việt Nam mổ giỏi thế mà giá tiền quá rẻ!”. Hỏi ra giá hơn 2.000 đô nhưng vẫn chưa bằng 1 nửa bên đó.
Vừa qua, điểm chấm theo 2 kênh độc lập của PAPI và qua hỏi điện thoại đều trên 80%. Hiện các BV đang tự chấm theo bộ 83 tiêu chí mới về cả chuyên môn, thái độ hài lòng và xanh sạch đẹp. Tôi ngồi xây dựng trực tiếp từng điểm. Sau đó sẽ cho chấm chéo để đảm bảo khách quan.
Thay đổi nhiều là vậy nhưng dường như bài toán về nhiễm khuẩn BV vẫn là một thách thức, vụ việc đau xót khiến 4 trẻ sinh non tử vong tại Bắc Ninh là một bài học?
Sắp tới chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa việc này, học tập theo mô hình nước ngoài, hạn chế người nhà vào thăm, đây là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng bệnh viện, nhiễm trùng chéo.
1 điều dưỡng đáng ra chỉ chăm 2-3 bệnh nhân, giờ muốn người nhà không vào chăm thì số điều dưỡng phải nhiều lên, phụ cấp lương phải lớn nhưng khoản này hiện chi trả rất hạn chế.
Tôi vào BV Bạch Mai hỏi 1 bệnh nhân thì có tới 4 người nhà đi kèm. Khi hỏi chờ gì thì họ nói chờ đón ra viện. Ra chỗ khác hỏi cũng thấy 4-5 người tháp tùng 1 người đi khám. Thử hỏi làm sao BV không quá tải, làm sao có thể gọn gàng, ngăn nắp?
Rồi 1 người ốm, 1 người đẻ thì hết người này người kia đến thăm. Không cho vào thì thắc mắc nhưng vào thì mang bệnh cho người nhà, nhất là trẻ con, chỉ sờ vào nắm cửa, giường bệnh là đã đầy vi trùng.
Do đó, tương lai xa là chăm sóc toàn diện, khoa dinh dưỡng các BV cũng phải cải thiện, gắn chặt chế độ ăn với chăm sóc, điều trị chứ không thể mỗi thuốc.
Thầy thuốc bị hành hung cả thể xác và tinh thần
Năm qua, lần đầu tiên Bộ trưởng phải kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế nhưng ngành y dường như vẫn đang đơn độc trên hành trình này?
Một trong những vấn đề tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho thầy thuốc. Năm qua, ngành y đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế.
Không chỉ có cán bộ y tế tại các BV, trung tâm y tế lớn mà các thầy thuốc ngay tại trạm y tế hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần làm việc của anh em.
Không chỉ bị hành hung về thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những bạo hành về tinh thần như đe dọa, chửi rủa.
Có một thực tế đáng buồn, đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án, tiền sự mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ kiến nghị các ĐBQH xem xét, điều chỉnh các quy định pháp luật để những hành vi này được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Đồng thời bổ sung trong luật Khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người dân khi đi khám bệnh, để nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần của những vụ bạo hành vừa qua là do thái độ của thầy thuốc. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào?
Dù cả hệ thống khám chữa bệnh của ngành đang nỗ lực chuyển mình nhưng vẫn còn những BV, nhân viên y tế chưa nỗ lực hết mình, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân như một số ý kiến phản ánh.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp đổi mới phong cách thái độ, tổ chức học tập nâng cao thái độ ứng xử, y đức…; khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua đường dây nóng.
Song song đó, đổi mới quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tránh gây phiền hà.
Giải pháp lâu dài là sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng vào thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các BV cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa, tinh thần thái độ và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa để hài lòng người dân.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)