Trao đổi với báo điện tử Chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã tham mưu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo mới nhất về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời gửi xin ý kiến các địa phương. Trong đó, dự kiến sáp nhập tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị.
"So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có một số điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo cấp trên và tình hình thực tế", đại diện Bộ Nội vụ cho biết.
Theo dự thảo trước đó, sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 70-75% so với số lượng hiện tại - tức là còn khoảng 3.000 đơn vị.
Cũng theo Bộ Nội vụ, chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh là chủ trương lớn, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, vì sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, tinh gọn đầu mối mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế, tạo sức bật cho đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật cần cân nhắc các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, vị trí, hạ tầng giao thông…
Về trình tự, thủ tục xây dựng đề án, dự thảo yêu cầu UBND tỉnh lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hoàn thiện đề án, gửi HĐND cùng cấp xem xét, biểu quyết.
Bộ Nội vụ sẽ thẩm định đề án của từng địa phương trước khi trình Chính phủ, xây dựng đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, ngày 28/3, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được thực hiện với tinh thần quyết liệt khẩn trương, “vừa chạy xếp hàng, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”; không được để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.
Tổng Bí thư cho biết, theo dự kiến, 63 tỉnh, thành phố hiện nay sẽ được sắp xếp lại còn khoảng 34 tỉnh, thành phố, kết thúc hoạt động của tổ chức cấp huyện, không tổ chức cấp huyện và sẽ còn khoảng 5.000 xã, phường.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)