Khi thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu ở hải đảo) thì xã, phường sẽ rộng hơn, làm nhiều việc hơn.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cấp cơ sở, ngoài việc đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã, còn nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.
Ngoài ra, cấp tỉnh còn đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp cơ sở, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị...
Chính vì vậy, một trong những vấn đề đặt ra khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp là đòi hỏi trình độ, năng lực, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tới đây phải được nâng cao.
Với trình độ hiện nay, bí thư xã chưa thể làm tỉnh ủy viên
Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, sau khi bỏ cấp huyện, bí thư xã có thể là tỉnh ủy viên. Tuy nhiên, với năng lực, trình độ hiện nay, cán bộ, công chức xã chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc của vị trí này.
“Do đó, có khả năng các cán bộ tỉnh, huyện sẽ được điều động về làm lãnh đạo chủ chốt và hỗ trợ chuyên môn tại các xã”, ông Hòa dự đoán.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, sắp tới, số lượng cán bộ, công chức cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã dôi dư rất nhiều, đòi hỏi phải sàng lọc.
"Đây là yêu cầu tất yếu trong cuộc cải cách tổ chức bộ máy và biên chế. Quá trình sàng lọc cần toàn diện, dựa trên các tiêu chí như đạo đức, phong cách, trình độ và năng lực, từ đó giữ lại một số cán bộ đủ điều kiện. Với những người còn lại, có thể xem xét tinh giản biên chế, đảm bảo chế độ phù hợp, đặc biệt cho các cán bộ không chuyên trách”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề xuất lập hội đồng sát hạch với tiêu chí rõ ràng - từ trình độ chính quy, kinh nghiệm thực tiễn đến cam kết trách nhiệm - nhằm chọn lọc cán bộ “làm được việc, dám nghĩ, dám làm”.
Ông nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy phải giữ chân người tài, tránh để năng lực bị lãng phí. Quy trình cần minh bạch, thử thách thực tế và sẵn sàng thay thế nếu không đáp ứng hoặc không phù hợp.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã đề xuất, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.
Bởi vậy, nhằm hạn chế những vấn đề tiêu cực như chạy chọt, giữ ghế, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhận định “điều quan trọng nhất vẫn là sự công tâm của lãnh đạo đứng đầu và năng lực lãnh đạo tập thể của tổ chức trong quá trình tham mưu, đề xuất”.
Đồng tình với ý kiến yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc chọn lựa cán bộ, công chức có đủ đạo đức, năng lực chuyên môn và trình độ, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Cần xây dựng quy chế tiêu chuẩn chọn người công khai, minh bạch. Đã gọi là cuộc cách mạng thì nên có cả cuộc cách mạng về tuyển chọn, tuyển dụng và sử dụng cán bộ sao cho đúng người, đúng việc”.
Cốt lõi là chuyên môn phải vững vàng
Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, ngoài trình độ, cán bộ từ huyện xuống xã cần khả năng thấu hiểu người dân, với kỹ năng xử lý công việc ở cơ sở.
“Cán bộ phải nắm rõ từng con người, từng thửa ruộng, tập quán, từ làng xã đến dòng họ. Không chỉ là chuyên môn, mà còn là sự thông thuộc địa bàn, gắn bó sâu sát với dân”, đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc thích nghi với công việc mới, sát dân hơn, không phải thách thức lớn nếu cán bộ “có tâm, có tầm”.
Ông nhận định, ban đầu, cán bộ mới về xã có thể chưa quen, nhưng điều cốt lõi là chuyên môn vững vàng. “Chuyện gần dân, hiểu dân sẽ dần hình thành theo thời gian”, ông nói.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, phẩm chất đạo đức, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao mới là nền tảng. “Có tâm, có tầm, cán bộ sẽ nhanh chóng hòa nhập và gắn bó với người dân”.
Ông Hòa lấy ví dụ các công an xã tại thành phố Sa Đéc đều là chính quy, được điều động từ nơi khác về, không phải người địa phương, nhưng vẫn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)