Chia sẻ với PV, một bác sĩ công tác lâu năm tại bệnh viện Bạch Mai cho rằng, bản thân ông, chưa từng thấy bệnh viện lớn nào lại không có "nhà lạnh" để bảo quản thi hài bệnh nhân khi họ qua đời.
Theo ông, việc trang bị nhà lạnh để bảo quản thi thể bệnh nhân qua đời không chỉ là điều kiện pháp lý, pháp luật mà quan trọng hơn, đó còn là yếu tố rất nhân văn, tình người.
Bên cạnh đó, một số nhân viên y tế cũng bày tỏ sự không tán thành khi bệnh viện giải thể hoạt động của nhà tang lễ - nơi dùng để tổ chức lễ tang cho những người qua đời ở viện hoặc gửi ở nhà lạnh bệnh viện trước đây.
Trả lời về việc này, TS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong bối cảnh tinh gọn nhân sự đạt hiệu quả, bệnh viện đã giải thể một số đơn vị có chức năng không cần thiết, trong đó có dịch vụ nhà tang lễ bệnh viện. Theo ông, đây là một trong những dịch vụ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý bệnh nhân, người nhà.
"Bệnh viện Bạch Mai có nhiều bệnh nhân rất nặng. Việc có nhà tang lễ trong bệnh viện khiến tâm lý những người bệnh gần đất xa trời rất hoang mang. Suốt ngày kèn trống đám ma ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế.
Chưa kể, mỗi khi có đám tang gây xung đột giao thông, tắc cả bệnh viện. Chính vì thế bệnh viện quyết xoá bỏ. Thêm nữa, nhà tang lễ không tạo thêm nguồn thu gì cho bệnh viện", ông Thành cho hay.
Về số phận những người bệnh đã khuất, ông Thành cho biết thêm, việc dừng hoạt động nhà tang lễ không có nghĩa bệnh viện không quan tâm đến bệnh nhân tử vong.
Bệnh viện đã ký hợp đồng với Nhà tang lễ Thành phố, Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn để phối hợp triển khai hoạt động tâm linh.
Trước đó, về việc dừng hoạt động nhà tang lễ, PGS.TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, khi nhà tang lễ hoạt động, tiếng trống, kèn và những âm thanh từ đây gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người bệnh.
GS Phạm Gia Khải, người gắn bó hơn 60 năm với BV Bạch Mai: "Tôi rất buồn vì nhiều người đi quá"
Ông Hùng nói, Bệnh viện Bạch Mai đã cân nhắc kỹ và theo yêu cầu thực tế, Bệnh viện đã có liên hệ với nhà tang lễ của thành phố để có thể tổ chức tang lễ một cách văn minh.
Trường hợp bệnh nhân không may qua đời, bộ phận giải phẫu bệnh của bệnh viện vẫn tiếp nhận bảo quản lạnh.
"Những điều chỉnh này đều xuất phát từ quyền lợi của người bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên y tế có điều kiện phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Chúng tôi cũng đã có khảo sát cho thấy, hầu hết bệnh nhân và nhân viên y tế đều ủng hộ chủ trương này", ông Hùng nêu.
Lãnh đạo Bệnh viện cũng nhấn mạnh, việc giải thể các đơn vị dịch vụ này là quyết định rất khó khăn, nhưng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân thì không thể không làm.
Trao đổi với báo chí về việc nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2010 quy mô 300 giường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng nhưng hiện nay đã bị phá dỡ, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai nêu:
"Nhà lưu trú trước đây được một doanh nghiệp tài trợ, sau nhiều năm tháng đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường nên đã được phá bỏ để làm mục đích khác. Viện giám định y khoa vẫn bố trí nơi lưu trú cho người nhà người bệnh".
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)