Không phải thiệt thòi mà là sự hy sinh của Giám đốc?
Chia sẻ với PV, một vị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những thay đổi trong thời gian qua giúp bệnh viện hoàn thiện hơn, dịch vụ tốt dần lên, mang lại hài lòng cho bệnh nhân và đó là sự sống còn trong cơ chế tự chủ nhưng lại gây áp lực, điều tiếng cho người lãnh đạo cao nhất là Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn.
Theo vị này, tất cả chỉ đạo, định hướng được đưa ra đều phải do tập thể Ban lãnh đạo, Hội đồng quản lý thống nhất nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về người đứng đầu bệnh viện là Giám đốc.
"Nhưng rõ ràng, nếu không có người đứng đầu đưa ra chỉ đạo thì không có định hướng để phát triển. Khi tạo ra các thay đổi mà không có những chỉ đạo quyết liệt, không có những quy định bắt buộc mọi người phải vào guồng thì không làm được", vị này nói.
Cũng theo vị này, những thay đổi thời gian qua ở Bạch Mai không chỉ ở quy trình mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, "cơm áo, gạo, tiền" của nhiều người.
"Khi những thay đổi tạo ra sự công khai, minh bạch, chuẩn chỉ khiến những thu nhập ở dưới gầm bàn biến mất thì sự phản ứng còn quyết liệt hơn rất nhiều. Nhưng không có 'cuộc cách mạng' nào mà không có những tổn thương, mất mát", lãnh đạo của BV Bạch Mai nói.
Trước câu hỏi, phải chăng, đang có một sự thiệt thòi cho Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn? Vị lãnh đạo này cho hay, "đây không phải thiệt thòi mà là sự hy sinh của Giám đốc".
"Rõ ràng, như những gì diễn ra trong thời gian qua có thể thấy, tất cả búa rìu đều là GS (GS Nguyễn Quang Tuấn - PV) phải chịu.
Nhưng ngược lại, nếu không có người như vậy làm sao có sự thay đổi dần về dịch vụ, chất lượng mà mọi người đang thấy", vị này chia sẻ thêm.
Vị này nhắc lại ý kiến của GS Nguyễn Quang Tuấn từng đề cập, với bệnh viện, bệnh nhân là khách hàng nên tất cả định hướng đều hướng tới bệnh nhân để đem lại dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, với người lãnh đạo, giám đốc bệnh viện thì cán bộ, y, bác sĩ mới là khách hàng.
Do đó, lãnh đạo bệnh viện luôn cố gắng làm sao để nhân viên được hài lòng nhất và nỗ lực để đạt được sự hài lòng đó.
Song rõ ràng, theo vị này, nếu GS Tuấn có quyền, điều kiện vô biên về tài chính thì không có vấn đề gì, nhưng hiện nay, cơ chế, đặc biệt về tài chính trong hoàn cảnh bệnh viện tự chủ chưa trọn vẹn.
Cụ thể, tự chủ nhưng 80% bệnh nhân có bảo hiểm y tế, theo Nghị quyết 33, phải thu đúng giá bảo hiểm y tế. Còn dịch vụ tự nguyện, quy định cho phép bệnh viện xây dựng giá theo khung Bộ Y tế, nhưng từ khi thí điểm vào ngày 17/2/2020 đến nay chưa có khung, trong khi còn 10 tháng nữa kết thúc thí điểm tự chủ.
"Do vậy, đứng trên phương diện của GS Tuấn vừa phải đem lại dịch vụ tốt hơn cho người bệnh, lại vừa phải đem lại sự hài lòng cho chính cán bộ, nhân viên của viện thì đôi khi không thể tạo cân bằng, thỏa mãn cả hai, nếu không muốn nói ở giai đoạn này là bất khả kháng, không thể", vị này nêu quan điểm.
Ông này nói thêm, để tạo ra dịch vụ tốt hơn cho người bệnh đòi hỏi sự nỗ lực của cả bệnh viện, trong đó, chính là các cán bộ, nhân viên. Chẳng có nỗ lực, thay đổi nào không vất vả.
Ông dẫn chứng, trước đây cán bộ đi làm lúc 7h30, giờ chuyển sang 5h thì chẳng ai hài lòng, hay trước chỉ chăm sóc bệnh nhân bình thường nay chuyển sang chăm sóc toàn diện từ tắm, gội, cho bệnh nhân ăn... thì sẽ chẳng ai muốn làm.
"Nhưng rõ ràng, để thay đổi, đem lại dịch vụ tốt hơn cho bệnh nhân thì phải làm. Dù rất khó cho giám đốc song giai đoạn rất ngắn vừa qua đã cho thấy sự thay đổi, đột phá của bệnh viện, ít nhất, cơ sở vật chất đã khang trang hơn, các quy trình khám, chuyên môn tốt hơn.
Việc làm ghép không còn và những thay đổi đã có chuyển biến rất tích cực, tỉ lệ hài lòng của người bệnh tăng lên, rất nhiều thư khen.
Còn với nhân viên, chắc chắn độ hài lòng sẽ giảm hơn trước bởi có thêm những áp lực, công việc vất vả, thu nhập giảm.
Mong muốn lớn nhất của bệnh viện là toàn thể nhân viên cùng đồng hành, đặt hài lòng của người bệnh lên trước hết thì càng ngày sẽ càng có đông bệnh nhân. Bệnh nhân chính là khách hàng, có khách hàng sẽ có thu nhập.
Còn các nút thắt về cơ chế tài chính sẽ kiến nghị để Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ", vị này chia sẻ thêm.
Lãnh đạo BV nói gì về việc cuối tuần báo cáo kiểm điểm, hình thành tình trạng sát phạt nhau?
Trước đó, chia sẻ trên báo chí, một bác sĩ công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai đã nghỉ việc từ cuối năm 2020 cho rằng, một phần lý do nghỉ bởi bác sĩ làm khoa học, đào tạo, làm chuyên môn nhưng hàng tuần lại yêu cầu lên kế hoạch công việc, cuối tuần báo cáo kiểm điểm.
"Nếu báo cáo để rút kinh nghiệm thì không sao, nhưng báo cáo kiểu này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, hình thành tình trạng sát phạt nhau", vị này nói.
Trả lời vấn đề này, TS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc bác sĩ nói cuối tuần phải báo cáo kiểm điểm, hình thành tình trạng sát phạt nhau trong các đơn vị, khoa, phòng là không đúng.
Theo ông Thành, bệnh viện hiện có 3 khối là lâm sàng, cận lâm sàng, phòng, ban và các khối sẽ là khách hàng của nhau.
Đối với khối phòng ban, không làm ra thu nhập nhưng lại phục vụ cho hai khối còn lại. Do đó, định kỳ hàng tháng (trước đây là 3 tháng nhưng sau khi GS Tuấn về làm Giám đốc yêu cầu 1 tháng/lần) tiến hành phát phiếu để các khối lâm sàng, cận lâm sàng đánh giá từng phòng ban xem mức độ hoàn thành nhiệm vụ đến đâu.
Kết quả đánh giá sẽ là tiêu chí để thưởng A,B,C - thu nhập tăng thêm hàng tháng.
Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, khoa đều xây dựng các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị đảm nhiệm. Cuối năm cũng sẽ có tiêu chí rõ ràng để đánh giá chức năng, vị trí của từng người.
"Việc đánh giá đó là cả tập thể cùng làm một cách công khai, minh bạch chứ không phải 1 - 1 đánh giá để nói yêu hay ghét. Do đó, việc nói một tuần phải báo cáo kiểm điểm với nhau là không có.
Tuy nhiên, hàng tuần trong các giao ban bệnh viện thì lãnh đạo các đơn vị sẽ phải báo cáo xem tuần rồi làm được những gì còn khó khăn, tồn tại thế nào để các đơn vị khác phối hợp, lãnh đạo bệnh viện giải quyết.
Đây là việc cần phải làm để mọi người cùng nắm chứ không thể để cảnh lãnh đạo đơn vị không biết tuần rồi đơn vị mình làm được gì, còn khó khăn gì", ông Thành nêu.
Vị Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cũng chỉ rõ, trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hoàn thiện hơn, bệnh viện cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó, tăng trách nhiệm của người đứng đầu.
Trước khoa, phòng "be bét", lãnh đạo khoa vẫn hoàn thành xuất sắc nhưng hiện nay thực hiện theo đúng tinh thần tập thể xuất sắc thì trưởng khoa mới được xuất sắc hay có thể trưởng khoa chỉ hoàn thành nhưng nhân viên lại xuất sắc.
Ngoài ra, bệnh viện rất quyết liệt trong lỗi về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, nếu có kiến nghị của bệnh nhân, gia đình người bệnh sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật. Điều này trước đây không có.
"Có những người nhìn thấy quyết định kỷ luật toát mồ hôi, nhưng những người khác nhìn vào sẽ thay đổi tư duy, suy nghĩ, thay đổi thái độ với người bệnh. Nếu không quyết liệt trong chỉ đạo, phòng hơn chữa như thế sao thay đổi được", ông Thành phân trần.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)