GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua có 221 cán bộ, người lao động thôi việc, tinh giản. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.
Bệnh viện giải thích có 4 lý do chính khiến nhân viên thôi việc: Do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì dịch bệnh Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới.
Một năm trở lại đây, bệnh nhân và người nhà khi đến Bệnh viện Bạch Mai đều cảm nhận rõ rệt sự thay đổi nhanh chóng về thái độ phục vụ người bệnh, cảnh quan môi trường,... Bệnh viện lấy người bệnh làm trung tâm để chăm sóc và điều trị.
"Các bác sĩ là chỗ dựa tinh thần duy nhất định hướng tôi tiếp tục sống"
Bà Đinh Thị Kim Oanh, ở Ninh Bình, lần thứ 2 viết thư gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại tàn tật tay trái, tiền đình, viêm dây thần kinh nhãn cầu, tiểu đường, khớp, thậm chí cả đau dạ dày.
Bà Oanh đau đớn hơn nữa khi người con gái duy nhất cũng bị bệnh, may mắn được các bác sĩ tận tình chăm sóc, hồi phục 50%, sẽ được xuất viện thời gian tới.
"Các bác sĩ đã cứu con tôi. Họ không chỉ là thầy thuốc, mà còn là chỗ dựa tinh thần duy nhất giúp tôi vượt qua khó khăn, định hướng tôi tiếp tục sống", bà Oanh xúc động.
Đưa mẹ đi khám viêm phổi, anh Bạch Duy Cương, 38 tuổi, quê TP. Vinh, tỉnh Nghệ An nói rằng rất hài lòng với chất lượng dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai. Với những người từ các tỉnh/thành phố khác đến Hà Nội, họ đều mong được khám trong ngày để kịp về nhà.
"Bệnh viện thay đổi nhiều so với trước đây, khang trang hơn, nhân viên đông và nhiệt tình hơn. Dù mỗi ngày số lượng bệnh nhân tìm đến rất lớn, nhưng chúng tôi được khám nhanh, tạo điều kiện kết thúc trong ngày", anh Cương cho biết.
7h sáng có mặt ở cổng bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tiến, 61 tuổi, quê Bắc Giang được các nhân viên trực sẵn hướng dẫn đến từng phòng ban cần thiết. Chưa đầy một tiếng, ông Tiến hoàn tất thủ tục khám, được bác sĩ dặn dò kê đơn và cho về nhà.
Trước đó, bệnh viện đã bố trí hơn 50 nhân viên hướng dẫn chịu trách nhiệm tiếp đón bệnh nhân, người nhà. Họ có mặt tại hầu hết các "điểm nóng" trong bệnh viện, kịp thời giải đáp những thắc mắc.
Được biết, ông Tiến đã khám định kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai hơn 10 năm. Không chỉ ông, mà nhiều bệnh nhân khác và người nhà, nhận ra dịch vụ bệnh viện đã thay đổi rõ rệt, chất lượng tốt hơn rất nhiều so với những năm trước.
Theo ông, bệnh viện bố trí xe điện, xe lăn, ô che nắng cho bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên nhiệt tình. Nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang, hệ thống nước sạch miễn phí xung quanh bệnh viện rất hiện đại.
"Tôi hoàn toàn yên tâm và hài lòng với chất lượng dịch vụ hiện nay", ông Tiến tấm tắc.
Nếu như trước đây, bệnh nhân phải đến bệnh viện từ 1 - 2h sáng, xếp hàng nhận số thứ tự và chờ khám. Người bệnh đều rất mệt mỏi khi phải chờ đợi quá lâu. Thế nhưng hiện nay, các thủ tục khám chữa bệnh được rút gọn và đẩy nhanh. Người bệnh từ các địa phương khác tới bệnh viện đã thôi "ám ảnh" cảnh xếp hàng.
Ông Lý Đình Phương, 51 tuổi, quê Bắc Ninh phấn khởi nói, "người nhà tôi chỉ cần khám trong buổi sáng là xong các thủ tục, nhanh hơn rất nhiều. Khuôn viên bệnh viện được bố trí ghế ngồi, mái che mưa nắng, có cả nước từ hệ thống nước sạch".
"Bệnh nhân nghèo như tôi cũng được quan tâm đúng nghĩa"
Ông Phạm Chí Mỹ, 76 tuổi, quê Bắc Giang "ngỡ ngàng" trước những thay đổi của bệnh viện. Điều này giúp các bệnh nhân nghèo được quan tâm hơn, họ yên tâm vượt qua bệnh tật. Theo ông Mỹ, việc ăn uống cũng được bệnh viện lo, mỗi ngày 3 bữa chỉ mất 100.000 đồng. Thức ăn đa dạng. Hôm nào người bệnh không muốn ăn, chỉ cần báo huỷ với điều dưỡng.
Anh Mai Anh Tuấn, 45 tuổi, Ba Vì, Hà Nội, trưởng xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị đánh giá, mọi sự thay đổi của Bệnh viện Bạch Mai đều có lợi cho bệnh nhân chạy thận. Bệnh nhân được khám chữa bệnh chuyên nghiệp, dịch vụ chất lượng, không phải trả thêm bất cứ chi phí gì.
"Là bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại đây, tôi cảm thấy mọi thứ đang tốt lên từng ngày", anh Tuấn nói.
Trước đây, mỗi ca chỉ có một bác sĩ trực. Nếu bác sĩ đi ăn trưa hay vệ sinh, ca trực trống, không có người phụ trách chuyên môn túc trực. Khi đó, nếu bệnh nhân cần giúp đỡ sẽ phải gọi nhân viên hoặc bác sĩ. Nhưng hiện nay, đội ngũ y bác sĩ chia ca trực 24/24. Mỗi giường chạy thận đã được đánh số và có cả chuông đầu giường, trong trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân có thể nhấn chuông.
"Tôi đồng tình với những thay đổi của bệnh viện, vì bệnh nhân nghèo như chúng tôi cũng được quan tâm đúng nghĩa!", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bộ mặt bệnh viện hoàn toàn đã khác trong một năm qua. Chất lượng, sự hài lòng của người dân tăng lên so với trước.
"Nhiều người bệnh gửi thư khen, với bệnh viện đó là động lực rất lớn để chúng tôi phục vụ người bệnh được tốt hơn", bác sĩ Thành nói.
Đánh giá chất lượng Bệnh viện Bạch Mai và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2020 - 2021 do Bộ Y tế tiến hành, cho thấy 74% người bệnh nội trú và 82% bệnh nhân ngoại trú hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)