"Công việc nặng nhọc, áp lực dịch Covid-19, thu nhập giảm một nửa mà nói hài lòng toàn diện đến 15,3% là quá cao"
Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả khảo sát của Bộ Y tế về mức độ hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế năm 2020 - 2021 cho thấy có 74% người bệnh nội trú hài lòng về bệnh viện, tỷ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là 82%.
Khảo sát được thực hiện online (đảm bảo khuyết danh) của Bộ Y tế với 2.014/4.300 nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện cho thấy có 63% sẽ gắn bó với bệnh viện lâu dài.
Mức độ hài lòng chung với lãnh đạo bệnh viện là 51%; Chỉ số hài lòng toàn diện 15,3%; 70% người được khảo sát đề nghị tăng thu nhập.
Có 104/2.014 người được khảo sát đã đưa ra các ý kiến cho rằng công việc đang bị quá tải; chế độ trực không có ngày nghỉ bù, áp lực cao, căng thẳng; thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống; nhiều kỳ thi sát hạch gây áp lực; ít nhân lực, thiếu trang thiết bị, găng tay cho nhân viên; xử phạt cần công minh hơn, cần phải động viên, khích lệ và lắng nghe người lao động nhiều hơn nữa…
"Tôi không biết lãnh đạo Bộ có đọc những dòng chữ này hay không, tôi mong Bộ hãy lắng nghe nhân viên y tế nhiều hơn, đời sống của anh em bệnh viện gặp quá nhiều khó khăn. Mỗi ngày đi làm áp lực căng thẳng lắm mà kinh tế không có.
Mọi người cứ bảo nhau đi làm vì đam mê. Thật sự là làm nhiều đến nỗi vợ tôi còn chán không buồn hỏi vì sao. Rồi bao nhiêu bác sĩ giỏi, điều dưỡng tốt cũng xin đi, chuyển công tác nơi khác vì họ không chịu nổi.
Thật sự đến lúc này, hỏi trong thâm tâm mỗi nhân viên y tế chúng tôi đều là sự buồn, chán, không muốn cống hiến và thật sự điều giữ chân chúng tôi lúc này còn làm ở bệnh viện cũng chỉ vì 2 chữ Bạch Mai", một ý kiến nêu trong bảng khảo sát.
Trao đổi với PV chiều tối 15/4, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, con số 15,3% nhân viên y tế của bệnh viện hài lòng toàn diện trong môi trường áp lực, thu nhập giảm là tỷ lệ quá cao, chứ không phải thấp.
"Hài lòng ở đây là so với kỳ vọng, ai cũng mong muốn môi trường không vất vả, thu nhập cao. Theo khung Bộ Y tế, hài lòng toàn diện tức là hài lòng tuyệt đối, không còn gì lăn tăn, đáp ứng mọi yêu cầu của người lao động, điều này rất khó.
Trong bối cảnh bệnh viện khó khăn như thế, hụt thu 2.000 tỷ đồng so với năm trước như thế, áp lực như thế, công việc nặng nhọc, căng thẳng, áp lực dịch Covid-19, áp lực kiểm tra, giám sát, thu nhập giảm một nửa mà nói hài lòng toàn diện đến 15,3% là quá cao, không nói thật, tích vớ vẩn.
Với điều kiện như vậy, theo tôi chỉ vài % là cao", ông Thành nêu.
Lãnh đạo Phòng cũng dẫn chứng lại chuyện 28 y bác sĩ nghỉ việc. Trong đó, một bác sĩ làm việc ở Bạch Mai vất vả, áp lực nhưng thu nhập chỉ khoảng 15-20 triệu đồng còn ra bệnh viện tư có thể được trả thu nhập đến 100 triệu đồng/tháng, vậy làm sao nhân viên y tế có thể hài lòng?
Bệnh viện luôn xác định đặt lợi ích bệnh nhân lên số 1
Với con số mức độ hài lòng chung với lãnh đạo bệnh viện là 51%, lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ, nếu chỉ xem qua, nhiều người có thể nói, lãnh đạo bệnh viện có chỉ số hài lòng thấp thế, nhưng khi nhìn vào thực tế Bạch Mai trong thời gian qua mới có thể thấy hết được lý do.
Theo ông này, việc hài lòng hay không hài lòng liên quan đến mức độ thỏa mãn yêu cầu của nhân viên với công việc, thu nhập tốt, môi trường làm việc phải thoải mái về tinh thần, không căng thẳng, áp lực. Đây là những mong muốn rất chính đáng của người lao động.
Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ dẫn chứng, trong năm vừa qua, cả lãnh đạo cao nhất bệnh viện và các Trưởng khoa đều hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, áp lực dịch Covid-19, áp lực trong đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Vị này dẫn lại quan điểm của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong các cuộc họp nêu rõ, bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện, phải đáp ứng hài lòng khách hàng. Còn với lãnh đạo, nhân viên bệnh viện là khách hàng của giám đốc, làm sao để nhân viên hài lòng là sự nỗ lực ưu tiên của giám đốc.
Do đó, thời gian qua, bệnh viện luôn xác định đặt lợi ích bệnh nhân lên số 1, phải đem lại dịch vụ tốt nhất có thể cho người bệnh trong khả năng của bệnh viện.
Ngoài ra, trong nội bộ quan tâm, nỗ lực tối đa để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. Bệnh viện luôn kỳ vọng, mong muốn nhân viên y tế hài lòng, gắn bó với viện.
Tuy vậy, vị này cũng thừa nhận, việc cân bằng giữa hai nhiệm vụ đôi khi không dễ dàng, bởi nếu hài lòng bệnh nhân có lúc gây áp lực đối với cán bộ nhân viên y tế.
"Tôi đã theo dõi các phản hồi của cán bộ ra đi, nhưng phải nói rõ rằng, những cải cách này đã phổ biến công khai dân chủ mới triển khai.
Song với 4.300 con người, không thể nào trọn vẹn. Mọi thay đổi đều không dễ dàng gì, bắt mọi người vất vả hơn để đạt được thay đổi nhưng trước mắt nhiều người chưa thấy lợi ích.
Chẳng hạn, ở Khoa Khám bệnh, trước đây 7h30 mới bắt đầu làm việc thì giờ phải có mặt từ lúc 5h sáng, nhằm giải quyết tình trạng bệnh nhân từ các nơi xa đến từ 3-4h sáng không phải chờ đợi lâu.
Việc thay đổi này không phải ai cũng chấp nhận. Để có mặt ở bệnh viện lúc 5h, các bác sĩ phải rời khỏi nhà có thể từ 4h và điều đó, không dễ dàng với người lao động.
Song, chúng tôi không hề áp đặt mà vẫn sắp xếp để thay đổi, ai đi làm sớm sẽ được về sớm", vị này chia sẻ.
Vị lãnh đạo này nói thêm, trong hoàn cảnh khó khăn nhưng năm 2020, bệnh viện vẫn dành 140 tỷ đồng chia đều cho 4.300 nhân viên để hỗ trợ thu nhập.
Gần 1.300 người chưa được vào biên chế, vừa qua đã được mức lương bậc 3-4 và được hưởng toàn bộ phụ cấp như người có biên chế, trong khi trước đây chỉ được hưởng 85% lương bậc 1.
Ngoài ra, trước đây chỉ có lãnh đạo khoa mới được tổ chức sinh nhật nhưng hiện nay, tất cả nhân viên đều được nhận tin nhắn chúc mừng của lãnh đạo, kèm 300.000 đồng. Dịp 8/3, nam giới cũng được nhận 500.000 đồng.
Đại diện Bệnh viện cũng nêu rõ, năm qua, bệnh viện triển khai chăm sóc sức khỏe bệnh nhân toàn diện, bệnh nhân không nằm ghép 2 người như trước, hạn chế người nhà nên điều dưỡng kiêm cả chăm sóc, gội đầu, thậm chí là đổ bô, thay bỉm... trong khi trước đây không phải làm.
Trong hoàn cảnh ưu tiên đẩy chất lượng dịch vụ lên trước một bước để hướng tới sự hài lòng, lẽ ra bệnh viện cần tuyển nhân lực nhiều hơn nhưng theo vị này, do năm 2020, Bạch Mai là cơ sở đầu tiên thực hiện tự chủ, không được cấp kinh phí, lấy thu bù chi để hoạt động nên phải hạch toán thu chi để vận hành bệnh viện.
Do điều kiện khó khăn, không có đủ khả năng chi trả nên nhân viên y tế phải làm nhiều lên, dẫn đến tình trạng một điều dưỡng đang phải chăm sóc nhiều bệnh nhân.
Nhưng lãnh đạo BV luôn muốn thay đổi, kiện toàn mọi thứ có thể để nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại hài lòng cao nhất cho người bệnh. Đây là những quyết định sống còn trong cơ chế tự chủ. Tuy nhiên mọi thay đổi không dễ dàng, vì vậy phải có các giải pháp quyết liệt.
"Mong muốn lớn nhất của bệnh viện là toàn thể nhân viên cùng đồng hành, đặt hài lòng của người bệnh lên trước hết thì càng ngày sẽ càng có đông bệnh nhân.
Bệnh nhân chính là khách hàng, có khách hàng sẽ có thu nhập. Còn các nút thắt về cơ chế tài chính sẽ kiến nghị để Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ", vị lãnh đạo Phòng nói thêm.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)