Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thông tin: Ghi nhận lúc 13 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 4-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên-Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Vùng biển khu vực giữa Biển Đông (bao gồm khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão; gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần.
* Có ý kiến cho rằng, cơn bão lần này không mạnh nhưng rất phức tạp. Giả định kịch bản xấu nhất chúng di chuyển vào khu vực đất liền thuộc tỉnh nào?
- Cơn bão này theo nhận định sẽ không mạnh, tối đa cũng chỉ giật cấp 10 nhưng đúng là sẽ rất phức tạp, hướng di chuyển sẽ còn có những thay đổi.
Kịch bản xấu nhất đó là đi trực tiếp vào TP HCM. Chúng ta biết rằng đây là thành phố có mật độ dân cư rất đông, là trung tâm kinh tế, văn hoá, thể thao, du lịch lớn nhất nước, nếu bão vào, dù chỉ cấp 8 thì thiệt hại cũng vô cùng lớn.
Việt Nam từng đón cơn bão nào khi vào bờ bỗng dưng mạnh lên và di chuyển sang hướng khác chưa, thưa ông?
- Có nhiều cơn bão khi vào gần bờ mạnh lên, điển hình cơn bão số 1 (năm 2015) khi vào Nam Định, Thái Bình giật cấp 11. Hoặc gần đây nhất cơn bão số 12 (Damrey) ngày 3-11 tâm bão số 12, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 500 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 13)…
Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều ngư dân vẫn chủ quan và tiếp tục ra khơi đánh bắt. Có lẽ, vì 2 cơn bão số 15, 16 (năm 2017) đều nhận định sai dẫn đến mọi người thờ ơ. Ông có lời khuyên nào cho bà con và ngư dân?
- Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (bão, dông, lốc…) đều có những diễn biến hết sức phức tạp, bất cứ ai dù trên đất liền hay trên biển đều phải cảnh giác, không bao giờ chủ quan.
Chỉ một thay đổi nhỏ như hướng di chuyển, cường độ… cũng gây nên những hậu quả hết sức nặng nề. Bão, áp thấp nhiệt đới đe dọa trực tiếp đến tính mạng của chúng ta nên không thể chủ quan bằng bất cứ lý do nào.
Những người đang đi biển cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, những nơi gần nhất có thể, không kịp vào bờ thì chọn những đảo ở gần để trú tránh. Những người chưa ra khơi thì tuyệt đối không ra khơi từ nay đến hết ngày 7-1.
Theo Lê Phong (Nld.com.vn)