Video: Áp thấp nhiệt đới sắp thành bão đang vào Biển Đông
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết sáng 3/1 sau khi đi vào khu vực phía đông quần đảo Trường Sa áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão Bolaven (cơn bão số 1 năm 2018).
Vị trí tâm bão cách Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h).
Chiều 3/1, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 140 km về phía nam. Lúc này, bão tăng cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, giảm tốc còn khoảng 20 km/h. Rạng sáng 4/1, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 280 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Sau đó, bão chủ yếu vẫn giữ hướng di chuyển và giảm tốc còn 15 km/h.
Dự báo bão sẽ suy yếu trước khi vào bờ
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn, thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương, cho biết: "Mô hình dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới đều có chung nhận định bão khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên Biển Đông, trước khi cập bờ".
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng, 47 tàu cùng 389 người đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa. Các vùng biển khác và neo đậu tại các bến có 47.143 tàu và 245.630 người.
Đại diện Tổng cục Thuỷ sản cho biết vẫn còn 2 tàu đang nằm trên đường di chuyển của bão, đã thông báo cho các tàu hướng di chuyển của bão, di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Đoàn Thanh Chung, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền nam cho hay riêng Cà Mau có 38 tàu với 266 lao động không liên lạc được. "Tỉnh Cà Mau có báo cáo những tàu này không bật hệ thống liên lạc trên tàu. Đây là chuyện thường xuyên xảy ra ở Cà Mau, lần nào cũng vậy", ông Chung nói.
Theo Trà My (Tri Thức Trực Tuyến)