Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng Việt Nam có vi phạm pháp luật?

12/10/2023 13:46:10

Bánh đồng xu đang tạo nên cơn sốt tại nhiều địa phương, tuy nhiên nhiều người không khỏi thắc mắc liệu có được phép sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam để kinh doanh hay không?

Thời gian gần đây, loại bánh đồng xu phô mai đã du nhập về Việt Nam và được đông đảo thực khách đón nhận. Điều khiến thực khách thích thú ở loại bánh này không chỉ là nguyên liệu với điểm nhấn là nhân từ phô mai mà còn đến từ hình dạng chiếc bánh. 

Ngoài những khuôn có sẵn là hình đồng tiền của nước ngoài như khuôn đồng 10 Won của Hàn Quốc thì có nhiều nơi đã sử dụng khuôn có in hình tiền xu 500 đồng trong nước để sản xuất.

Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng Việt Nam có vi phạm pháp luật?

Bánh đồng xu trở thành cơn sốt tại Hà Nội và nhiều địa phương trong thời gian qua.

Tuy nhiên sau khi hình ảnh về chiếc bánh có in hình tiền xu mệnh giá 500 đồng được đăng tải trên MXH đã nhận được nhiều sự quan tâm. Trong đó có nhiều người băn khoăn và đặt câu hỏi về việc sử dụng mệnh giá tiền trong trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không? Bởi cũng trong tình huống tương tự, trên thị trường từng xuất hiện tràn lan những mẫu bao lì xì, móc khóa in mệnh giá tiền,... và đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. 

Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng Việt Nam có vi phạm pháp luật? - 1

Một tiệm bánh trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TPHCM đã dùng khuôn đồng xu mệnh giá 500 đồng từng được lưu hành để làm khuôn cho loại bánh này.

 

Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng Việt Nam có vi phạm pháp luật? - 2

Bánh đồng xu phô mai in hình 500 đồng Việt Nam có vi phạm pháp luật? - 3

Đáng nói, mặt sau của bánh cùng với hộp đựng bánh có in hình giống với Quốc huy.  

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010, khoản 3 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg, việc sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP cũng quy định hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật định là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với cá nhân có hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật thì phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt là 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Từ những quy định trên, các cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên sản phẩm của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật.

Theo Hạ Vũ (Phụ nữ Số)