Thông tin từ Bộ Y tế ngày 19/2 cho biết, theo số liệu báo cáo tổng hợp từ 1.300 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành và y tế ngành trên toàn quốc, tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ ngày 18/2 (tức mùng 3 Tết) là 86.679 trường hợp. Các cơ sở khám chữa bệnh đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón thêm 3.143 trẻ chào đời.
Đáng chú ý, số khám, cấp cứu, nhập viện điều trị nội trú và tử vong do tai nạn giao thông đều tăng so với cùng ngày Tết Đinh Dậu 2017.
Cụ thể, có 6.946 trường hợp khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông, tăng nhẹ 2,0% so với cùng ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Trong đó, 3.903 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; 2.378 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú (tăng 18,7% so với cùng ngày Tết Đinh Dậu năm 2017).
Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 33 trường hợp, tăng 45,5% so với 18 ca cùng ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.
Tại Bệnh viện Việt Đức, nếu như từ ngày 29 đến mùng 2 Tết Mậu Tuất, mỗi ngày viện tiếp nhận từ 50 ca đến hơn 70 ca nhập viện do tai nạn giao thông thì ngày mùng 3 Tết con số này tăng đột biến, với 126 trường hợp, gấp đôi các ngày trước đó.
Các bác sĩ tại đây nhận định, số trường hợp tử vong và chấn thương sọ não do tai nạn giao thông trong Tết Mậu Tuất gia tăng, chủ yếu liên quan đến uống rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm.
Bệnh viện Việt Đức đã huy động tối đa y bác sĩ, nhân viên y tế, thiết bị điều trị để mỗi ngày phẫu thuật hơn 40 bệnh nhân chấn thương nặng.
Các kíp trực đều quay cuồng với công việc cấp cứu, phân loại bệnh nhân để chuyển bớt những người bị chấn thương nhẹ đến các bệnh viện khác, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ tại đây đau đầu nhất là nỗi vất vả khi cấp cứu những trường hợp tai nạn giao thông do uống rượu, bia.
BS Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, theo dõi bệnh nhân có rượu khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu.
“Khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như thường. Các bác sĩ không biết, tình trạng đó là do bệnh nhân uống rượu hay là do nguyên nhân tổn thương sọ não. Thông thường, chúng tôi phải chờ 1-2 ngày để bệnh nhân tỉnh cơn rượu mới xác định được chính xác nguyên nhân do đâu” – BS Hằng nói.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 3 ngày Tết vừa qua cũng tiếp nhận gần 400 bệnh nhân. 2/3 đã được chuyển qua các khoa khác. Chỉ có các trường hợp nặng mới để lại khoa tiếp tục theo dõi cấp cứu.
Quá tải nên Bệnh viện phải nhờ các bệnh viện lân cận hỗ trợ. Có lúc, không còn đủ máy thở cho bệnh nhân nên các bác sĩ phải nỗ lực cấp cứu để bệnh nhân ổn định, sớm đưa về các bệnh viện lân cận. Trong đó, 2/3 trường hợp nặng do lạm dụng rượu dẫn đến xuất huyết dạ dày, tiêu hoá, viêm tuỵ cấp, xơ gan, ssuy đa phủ tạng và đã có 5 người tử vong.
Cũng từ ngày 18-19/2 (tức từ mùng 3 đến mùng 4 Tết), cả nước ghi nhận 4 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, 7 trường hợp nhập viện do chất nổ khác.
Tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 750 trường hợp, phải nhập viện điều trị nội trú là 484 trường hợp, có 2 trường hợp tử vong. Tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá là 484 trường hợp, trong đó 132 trường hợp là ngộ độc (say) rượu.
Theo V.Thu (Giadinh.net.vn)