Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cho biết theo báo cáo của Văn Phòng Bộ Công an, từ 7 giờ sáng ngày 18-2 (mùng 3 Tết) đến 7 giờ sáng 19-2 (mùng 4 Tết), cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người, 37 người bị thương.
Như vậy, so với ngày 18-2, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đã giảm khá mạnh so với ngày 19-2, ngày có 34 người chết vì tai nạn giao thông.
Ngày 19-2, đã có gần 15 cuộc gọi và 5 tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi hầu hết phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé vận tải hành khách, giá cước taxi của người dân. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh.
Ngày 19-2, nhiều người dân tiếp tục đổ dồn về các khu vực đền, chùa, các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM để du xuân, cầu may, cùng với đó là tình trạng các bãi trông, giữ xe tràn ra lòng đường, vỉa hè. Lực lượng cảnh sát giao thông vẫn được bố trí tại các điểm nút quan trọng để điều tiết giao thông nên các khu vực này đã không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Đánh giá chung của Ủy ban ATGT Quốc gia, sau 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 179 người, 186 người bị thương.
Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao, liên tục trong 4 ngày từ 30 Tết đến mùng 3 Tết; trong đó nguyên nhân chủ yếu là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đối tượng xảy ra tai nạn phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy; khu vực xảy ra tai nạn chủ yếu tại khu vực nông thôn, ngoài đô thị.
Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh nhiều đền, chùa trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn.
Theo Văn Duẩn (Nld.com.vn)