Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương, chiều 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hình thành ở nam Biển Đông chỉ còn cách đất liền các tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau khoảng 160 km về phía đông chếch nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 6-7, giật cấp 9.
Mưa rất lớn và kéo dài
Trong đêm nay và ngày mai, ATNĐ di chuyển theo hướng tây chếch bắc, vận tốc đạt khoảng 10-15 km/h. Chiều 2/11, tâm ATNĐ nằm trên vùng biển phía nam tỉnh Cà Mau - Kiên Giang.
Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng. Gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Bên cạnh đó, từ 3/11, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt diện rộng ở vùng trũng, đô thị thuộc các tỉnh nói trên rất cao.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng từ 0,3-0,4 m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5 m.
Đêm 1/11, hoàn lưu ATNĐ gây gió giật cấp 6-7 ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Từ 1/11 đến hết ngày 2/11, Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.
Biển Đông đang "gánh" 2 áp thấp nhiệt đới
Chiều 1/11, áp thấp nhiệt đới trên khu vực miền trung Philippines đã đi vào Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 570 km về phía đông. Ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trong đêm nay và ngày mai, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Chiều 2/11, vị trí tâm bão ở rên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Sau đó, bão vẫn giữ vận tốc, hướng di chuyển và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Chiều nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo và đề nghị Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 sớm chỉ đạo, rà soát các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Theo Trà My (Tri Thức Trực Tuyến)