Hai mươi năm trước, đêm 31/10/1997, một vùng áp thấp ở khu vực nam biển Đông (cách quần đảo Trường Sa khoảng 350 km về phía Đông - Đông Nam) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6, cấp 7, di chuyển theo hướng tây. Áp thấp sau đó mạnh lên thành bão số 5, có tên quốc tế Linda và hướng vào Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Đến tối 2/11/1997, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía tây vịnh Thái Lan. Sau bão, hàng nghìn gia đình ở Cà Mau lâm vào cảnh tang thương. Tàu cứu hộ vớt tử thi gần cửa biển và chuyển sang xuồng máy để đưa vào đất liền. Tổng hợp thiệt hại của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, do bão Linda gây ra: 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892; thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỷ đồng. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương. Nhiều thi thể đưa vào đất liền đã biến dạng, người thân không thể biết họ là ai. Bà Nguyễn Thị Mười khóc ngất khi phát hiện ra thi thể con trai từ vết sẹo và chiếc bông tai. Xung quanh bà người nào cũng có thân nhân chết và mất tích do cơn bão dữ. Tạ Diễm Tuyền bên mộ mẹ và hai em. Tuyền là người duy nhất còn sống sót trong chuyến tàu chở 11 đứa bé chạy bão. Cụ bà Nguyễn Thị Thiệt ở lâm ngư trường Sông Trẹm (Thới Bình, Cà Mau) nghẹn ngào nói rằng hai con trai và hai người rể đều mất tích cùng với chủ tàu. Một thanh niên òa khóc khi trở về từ cõi chết. Gia đình ông Nguyễn Văn Trượng bên đống đổ nát của căn nhà sập. Ông có 4 người thân mất tích. Sau bão Linda, cứ mỗi chuyến tàu từ biển trở về là hàng trăm người từ khắp nơi chạy ra cầu của đồn biên phòng ở Sông Đốc để dõi mắt tìm người thân. Tại lễ truy điệu ngư dân và đồng bào bị nạn trong bão Linda, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không cầm được nước mắt khi tiếp xúc với người thân của nạn nhân. Bà Trần Thị Lánh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Khánh Hội (U Minh, Cà Mau), cho biết năm xảy ra bão Linda bà có 3 con rể đi biển. Anh Trần Văn Út mất tích là con rể của bà Lánh, bỏ lại người vợ đang mang thai là chị Nguyễn Kiều Phương. Hay tin chồng gặp nạn, thiếu phụ đã sinh trong đêm mưa gió và chị Phương đặt tên con là Nguyễn Bão Biển. Anh Trần Văn Cò ở Khánh Hội có hai anh trai là Trần Văn Việt, Trần Minh Trí và em út Trần Chí Tâm mất tích trong bão số 5 cách nay 20 năm. Bia tưởng niệm nạn nhân bão Linda được dựng tại cửa biển Khánh Hội, với hình ảnh ngư dân bị sóng dữ nhấn chìm. Cửa biển Khánh Hội sau 20 năm ác mộng kinh hoàng mang tên Linda. Đường đi của bão Linda. Ảnh: Google Maps. Đây là cơn bão thảm khốc nhất ở miền Tây trong vòng 100 năm.
Hình thành ngày 31/10/1997 trên biển Đông, Linda mạnh dần lên vào một ngày sau đó khi di chuyển về phía Tây và tàn phá dữ dội vùng cực nam Tổ quốc trong hai ngày sau đó.
Bão có sức gió khoảng 100 km/h, khiến hơn 3.100 người miền Tây, các cùng phụ cận chết và mất tích. Linda đã khiến cho 200.000 ngôi nhà bị hư hại, tàn phá 325.000 ha ruộng, rẫy.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)