90% số ca tử vong do tai nạn xe máy, đề xuất cần có làn đường riêng

12/02/2025 11:35:33

Theo ông Lê Văn Đạt, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, khoảng 65 - 70% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, trong đó hơn 90% số ca tử vong liên quan đến tai nạn xe máy. Do vậy, đề xuất cần có làn đường dành riêng cho xe máy.

Sáng 12/2, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội thảo: Giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam. Theo đó, đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 77 triệu xe máy được đăng ký. 

90% số ca tử vong do tai nạn xe máy, đề xuất cần có làn đường riêng
Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ảnh: N.. Huyền 

Ông Thành dự báo, tới 2030 và những năm tiếp theo, xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng. “Bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá còn bất cập, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở nhiều tỉnh thành chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, xe máy vẫn là lựa chọn ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh kế của người dân. Ngay như Hà Nội và TPHCM, mặc dù có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhất cả nước, hệ thống giao thông công cộng mới đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu đi lại”, ông Thành nói.

Trong khi đó, mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân đến nay vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố ở châu Á. 

"Nếu việc mở rộng các mạng lưới đường, phương tiện vận tải công công (tàu điện và xe buýt…) vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay, trong 10 năm tới các mức cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng sẽ vẫn rất thấp so với các thành phố trong khu vực, đồng nghĩa với việc chưa đáp ứng được nhu cầu và xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại ưu tiên của nhiều người dân.

Mặc dù là phương tiện chính và có nhiều ưu điểm nhưng xe máy lại có tính năng an toàn không cao như ô tô... Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65 - 70% số vụ tai nạn giao thông", ông Thành nhấn mạnh.

Thông tin thêm, ông Lê Văn Đạt, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2023, số vụ tử vong liên quan đến tai nạn xe máy chiếm hơn 90% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đạt, là do tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn vẫn còn cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ngay tại Hà Nội cũng có khoảng 19% người lái xe máy sử dụng mũ bảo hiểm không đạt yêu cầu. 

Bổ sung thêm, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy thường đi qua đường ngang thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ; không nhường đường; chuyển hướng không quan sát…

Đặc biệt, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao đối với nhóm học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện nhưng kiến thức, kỹ năng về điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa đầy đủ. 

Trong khi đó, trên nhiều tuyến quốc lộ không có làn đường riêng cho xe thô sơ, trục đường đô thị đang được duy trì mô hình giao thông hỗn hợp… đây chính là những tuyến đường mà tỷ lệ tai nạn với xe máy rất cao. 

90% số ca tử vong do tai nạn xe máy, đề xuất cần có làn đường riêng - 1
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị cần tăng cường đào tạo kết hợp sát hạch kiến thức về ATGT trong trường học. Ảnh: N.Huyền 

Ngoài ra, ông Minh cũng chỉ ra thực tế chương trình đào tạo không đáp ứng bối cảnh thực tế hiện nay. “Bao nhiêu năm phần thi thực hành trong chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe máy vẫn chỉ yêu cầu người học đi trong vòng số 8, số 3 trong khi thực tế trên đường xe tải, ô tô chạy rầm rầm”, ông Minh nêu.

Từ những tồn tại trên, ông Minh kiến nghị cơ quan quản lý cần cải thiện an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy; bổ sung điều chỉnh chương trình đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe máy. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cần xây dựng, ban hành thông tư quy định quy trình giáo dục, đào tạo về ATGT trong trường học, trong đó bắt buộc phải tổ chức thi đối với học sinh. 

Ông Lê Văn Đạt cũng cho rằng, cần có làn đường dành riêng cho xe máy ở những khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông cao. Đồng thời cần có những chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tại các địa phương cần phát triển cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, người đi bộ…

Theo N.Huyền (VietNamNet)

Nổi bật