So với cùng kỳ tết Nguyên đán Canh Tý 2020 giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 7 người bị thương.
Trong đó, trên lĩnh vực đường bộ đã xảy ra 23 vụ, làm chết 14 người, bị thương 12 người. Trên lĩnh vực đường sắt, xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người. Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.
Như vậy, sau 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả nước đã xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, bị thương 26 người.
Về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT, trong ngày nghỉ lễ thứ hai, lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, lập biên bản 2.669 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; 19 xe ô tô, 495 xe mô tô; tước 287 GPLX các loại, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý 174 trường hợp, 1 trường hợp ma túy.
Trong ngày cuối năm, nhiều cơ quan và gia đình tổ chức liên hoan, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia gia tăng. Đại diện Cục CSGT cho biết, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với tinh thần cao nhất. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn xuyên suốt trong 7 ngày nghỉ Tết.
Cục CSGT khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông, và các quy định về phòng chống dịch COVID-19 với thông điệp: "Đã uống rượu bia, không lái xe", vì an toàn của bạn và hạnh phúc cho mỗi gia đình, tránh những tai nạn đáng tiếc liên quan đến rượu bia khi tham gia giao thông trước thềm năm mới.
Ngày Tết uống rượu bia lái xe có thể bị phạt đến 40 triệu đồng
Theo Ủy ban An toàn Quốc gia Quốc gia, cùng với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt đã tăng nặng mức xử phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia lái xe.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy, sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)