Theo tục lệ cổ truyền của người Việt Nam, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì vậy, sau khi cúng lễ, người dân Thủ đô có thói quen mang cá chép ra sông hồ thả phóng sinh.
Ghi nhận của PV, tại hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) vào sáng nay (2/2), rất nhiều người dân ra đây để thả cá chép trong ngày ông Táo chầu trời.
Cùng với việc thả cá chép, một số bộ phận người dân thả cả bụi tro, chân hương, đồ thờ cúng xuống hồ khiến mặt nước hồ biến sắc, gây ô nhiễm.
Xuất hiện nhiều tro bụi, tàn hương xung quanh mặt nước hồ.
Chỉ sau vài tiếng, mặt nước hồ Hoàng Cầu trở nên biến dị.
Mặt nước chuyển màu đen kịt khác với màu nước xanh trong trước đó.
"Người thả cá, người thì cả tro xuống hồ, mà tro thì dày đặc thế thì cá làm sao mà sống được", một người dân bức xúc.
Mặt hồ "biến dị" trong ngày ông Công, ông Táo.
Tro, chân hương... nổi trên mặt nước hồ Hoàng Cầu.
Công nhân môi trường có mặt từ sáng sớm, liên tục phải đi vớt rác, tro, chân hương cùng với cá vàng chết nổi lên mặt hồ.
Người công nhân này cho biết, mỗi lần vợt khoảng gần chục con cá chép vàng chết cùng với đống chân hương.
Được biết, tro hương được lấy từ việc dọn bàn thờ gia tiên, người dân mang đổ ra hồ cùng với việc phóng sinh cá chép vàng.
"Cá vừa thả ở khu vực này sẽ có dấu hiệu mất sức dẫn đến khả năng chết cao vì nước bẩn, ô nhiễm", một người dân cho biết.
Cá vàng "bơi" cùng tro, chân hương.
Cá chép vàng chết ngay khi được thả xuống mặt hồ dưới lớp tro hương.
Không chỉ mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời”, hành động phóng sinh còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, chọn đúng cách thả cá chép vàng để không làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường.
Theo Duy Phạm (Tiền Phong)