Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt: Chuyện đằng sau lý do cúng cá chép mà không cúng ngựa

02/02/2024 08:45:27

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một ngày đáng nhớ trong văn hóa tâm linh của người Việt, khi mà hương vị Tết đã đến thật gần, người người nhà nhà đều bận rộn chuẩn bị một mâm lễ cúng đầy sắc màu để tiễn một vị thần lên trời.

Có lẽ tháng Chạp là thời điểm khiến người ta đau đáu hướng về nhất trong năm. Trong tháng này có rất nhiều sự kiện quan trọng để đón chào năm mới, chẳng hạn như lễ cúng ông Công ông Táo. Mọi công việc tất bật và hối hả hơn khi tháng Chạp về, nhưng người ta rạo rực hơn cả là khi đến ngày ông Công ông Táo.

Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết Nguyên đán, trong tâm thức tín ngưỡng của người Việt, thần Bếp cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Chẳng thế mà, vào ngày tiễn đưa ông Táo lên chầu trời, nhà nào nhà nấy đầy đủ cỗ bàn, không chay thì mặn, không ít thì nhiều, đều có cả.

Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt: Chuyện đằng sau lý do cúng cá chép mà không cúng ngựa
Cứ 23 tháng Chạp hàng năm, chuyến đi lên Thiên đình của ông Táo được nhiều người gửi gắm mong mỏi và hy vọng nhất. Ảnh minh họa.

Sự tích về ông Táo thì có rất nhiều. Tựu trung lại đều là chỉ vị Thần bếp luôn chăm nom, săn sóc và chở người dân suốt 4 mùa quanh năm. Cứ vào 23 tháng Chạp hàng năm, những mâm cỗ lớn nhỏ, những con cá chép vàng au tươi roi rói cùng bộ đồ mã của ông Công ông Táo được bày biện tươm tất. Người ta chuẩn bị lễ này để tiễn đưa ông Táo về chầu trời, cũng là chuyến đi được nhiều người mong ngóng nhất.

Ông Công ông Táo là ai?

Ông Táo là vị thần quen thuộc trong đời sống hàng ngày của con người. Tín ngưỡng thờ Táo quân rất phổ biến, bắt nguồn từ việc thờ cúng Thần Lửa trong xã hội cổ đại. Suốt quá trình phát triển, Táo quân từ tục thờ cúng thiên nhiên thuở hồng hoang thành vị thần cai quản việc ăn uống, hạnh phúc, trường thọ của gia đình.

Nhìn chung tập tục cúng Táo quân ở ba miền Bắc, Trung, Nam, dù ở nước ta hay các nước phương Đông khác sự chênh lệch này ít nhiều phản ánh đặc trưng văn hóa của mỗi nơi song điều quan trọng là ý thức lễ nghi, sự kỳ vọng và cái đẹp cũng như sự kế thừa và tôn trọng văn hóa.

Thần Bếp hay còn gọi là Táo quân, ông Táo, Vua Bếp trở thành một phần quan trọng trong tín ngưỡng của con người vì liên quan mật thiết tới quần áo, đồ ăn, nhà ở.

Xưa kia, “Sách lễ”, “Sử ký”, “Hán thư” của Trung Quốc đã có ghi chép về Táo quân, có thể thấy rằng niềm tin vào Thần bếp thời đó đã rất thịnh hành. Từ thời Thương, Chu, cúng Thần bếp đã trở thành một trong ngũ lễ của đất nước.

Sự tục hóa của Táo quân và lý do người Việt ta cúng cá chép mà không cúng ngựa

Tục thờ Thần Bếp bắt nguồn từ việc thờ thần Lửa, thuở ban đầu lửa rất huyền bí và linh thiêng với con người. Khi con người biết cách sử dụng và tạo ra lửa, giữ lửa trong bếp nên không còn coi trọng việc thờ cúng Thần Bếp nữa. Địa vị của Táo quân cũng thay đổi, hắn bắt đầu tiến hóa từ một vị thần nổi bật thành một vị thần gia tộc nhỏ.

Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt: Chuyện đằng sau lý do cúng cá chép mà không cúng ngựa - 1
Theo sự tích dân gian, gia đình Táo quân có lúc là "1 ông 1 bà" cũng có khi là "2 ông 1 bà", tuy vậy phiên bản "2 ông 1 bà" được biết đến nhiều hơn. Ảnh minh họa.

Trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình, Táo quân chính là nhân vật đặc biệt được giao phó sứ mệnh cao cả: Là người luôn theo dõi và ghi nhận mọi hành động, lời nói của con người. Từng bước một, hình ảnh Thần bếp chỉ quanh quẩn bên hũ gạo và bát canh giờ đã nhường chỗ cho một ông Táo quân toàn năng, với quyền lực quản định phước lành và tai ương, được mệnh danh là “Thần gieo quả ngọt trên trời, giữ gìn bình an cho người đời dưới hạ giới”. Con người, với tâm tư phức tạp không kém, vừa thân thiện vừa e dè ông Táo: Họ ao ước việc lành mình làm được ông chuyển tới tai nhà Ngọc Hoàng để nhận ân sủng, song cũng âm thầm lo sợ những lỗi lầm không may sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm khắc từ bề trên.

Có rất nhiều phiên bản về vai trò của Táo quân, có người cho rằng vị thần này đảm nhiệm việc trông coi việc sản xuất lương thực ở thế gian, mặt khác lại giám sát mọi sinh hoạt trong gia đình, “thao túng” họa phúc của mỗi nhà.

Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, thần sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Vì Táo quân có tài hùng biện nên dân gian mong tằng Táo quân sẽ nói những lời tốt đẹp để cầu may mắn cho gia đình mình. Trong số đó, không thể thiếu các món đồ ngọt, người ta cho rằng như vậy, Táo quân sẽ bẩm lời ngọt ngào và bớt lời đắng cay. Chính vì thế, nhiều người nói vui rằng, việc chuẩn bị mâm cúng tiễn đưa ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp thực chất là cách để người dân “mua chuộc” ông Táo.

Theo truyền thống của người Trung Quốc, sau khi tế lễ xong, người ta sẽ đốt ngựa giấy cúng đồ mã để đưa ông Táo về trời, còn ở nước ta mọi người lại cúng cá chép vàng. Điều này cũng có lý do đặc biệt, cá chép vàng trong niềm tin dân gian tượng trưng cho sự thành công và thịnh vương. Người ta cho rằng, cá chép khi "vượt vũ môn" có thể hóa rồng, có thể bay được, không giống như những con vật khác nên có thể đưa các Táo về chầu trời.

Nghi thức cúng ông Công ông Táo

Có thể nói rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là một mùa rộn ràng những phiên chợ sớm mai, ai ai cũng mong chọn cho mình được những con cá chép vàng khỏe mạnh để làm phương tiện đưa Táo quên lên trời. Trong nghi thức cúng ông Công ông Táo vào ngày cận Tết mang một ý nghĩa lớn trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Chính vì thế, mọi người chuẩn bị kỹ càng. Một số việc để thực hiện nghi thức cúng Táo quân được tươm tất đó là chuẩn bị mâm cúng, cách thức cúng, chọn giờ lành để cúng, thả cá chép và dọn dẹp bếp núc.

Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt: Chuyện đằng sau lý do cúng cá chép mà không cúng ngựa - 2
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp được các gia đình chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Nhung Ngo

Trong Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng cũng nhắc đến nỗi nhớ về ngày 23 tháng Chạp của đất Bắc: “... Ta tiễn ông Táo là để chứng tỏ tính đồng nhất của xã hội, vì biết ăn Tết tức là tầm mắt ta đã vượt được cái tổ chức thị tộc bộ lạc chật hẹp để sống với nhau rộng rãi hơn trong sự đoàn kết của nhiều thị tộc bộ lạc thống nhất với nhau về quan niệm, nghi lễ cũng như về thời gian.

Đấy là lúc tổ chức gia đình đã có cơ thay thế cho tổ chức thị tộc. Sự thờ cúng ông Táo và sự tiễn đưa ông Táo lên trời hôm hai mươi ba tháng Chạp chứng tỏ rằng người mình lúc ấy đã tổ chức thành gia đình nhỏ, mà cái bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc”.

Chưa kể, về sự cúng kiếng, nhà văn cũng viết thêm rằng: “Ông Táo ở Bắc, hôm hai mươi ba tháng Chạp, lên chầu trời cưỡi một con cá chép thì cũng ngày ấy ở Trung, ông Táo cưỡi một con ngựa yên cương chĩnh chạc, còn ở trong Nam thì giản dị hơn, đồng bào ta cúng ông một cặp giò - cặp hia để cho ông đi lên Thiên Đình cho lẹ!”.

Chính vì lẽ ấy mà việc chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo được mọi người coi trọng. Ngoài bánh kẹo, mâm cỗ chay, giờ đây nhiều nhà chuẩn bị mâm cỗ mặn đầy đủ các món như bánh chưng, canh măng, giò hoa, nem rán gà luộc,... và không thể thiếu được cá chép vàng để tỏ rõ lòng thành của mình. Tấm lòng thơm thảo ấy còn được thể hiện rõ qua việc người ta cũng kén giờ lành để làm mâm cỗ cúng, ngườ ta tránh khung giờ Ngọ (11 giờ - 12 giờ 59 phút) ngày 23 tháng Chạp vì cho rằng giờ đó các Táo đã về chầu trời.

Tục cúng ông Công ông Táo của người Việt: Chuyện đằng sau lý do cúng cá chép mà không cúng ngựa - 3
Cá chép vàng là lễ vật không thể thiếu trong ngày ông Công ông Táo. Ảnh minh họa.

Sau khi thành tâm dâng mâm lễ, người ta sẽ hóa những bộ quần áo sặc sỡ và những tiền vàng, thoi bạc coi như chuẩn bị tươm tất "kinh phí" cho các Táo đi đường. Và đương nhiên, trong nghi thức thành tâm ấy, người ta đi thả những con cá chép vàng khỏe mạnh về với nước mẹ bao la để khép lại buổi lễ.

“Tam bếp cúng, tứ quét nhà”

Vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc đã đi vắng, người ta tranh chủ dọn dẹp lại nhà cửa, và tiện thể thực hiện bao sái bàn thờ, tỉa bớt chân nhang. Những ngày tiếp sau đó, người ta cũng thực hiện các công việc trang hoàng nhà cửa để ngôi nhà đẹp xinh, ấm cúng đón Táo quân trở lại vào ngày 30 Tết cùng với vị Hành khiển mới của năm.

Theo quan niệm dân gian, sau ngày cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, những ngày sau đó đều có những công việc tương ứng, vô cùng bận rộn. Nếu như ngày 23 cúng ông Thần bếp thì đến ngày 24 quét bụi, dọn dẹp nhà cửa. Xưa kia, nhiều nhà chung nhau 1 con lợn mang đánh đụng thì chuẩn bị từ sớm, rồi làm giò chả, gói bánh chưng, đi chợ Tết, mua hoa,... Đến chừng 27, 28 Tết các nhà còn đi chạp mộ mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Điều sau cùng của công việc chuẩn bị Tết đó là dựng cây nêu, ngày nay nhiều nơi không còn tục lệ này nữa, thay vào đó người ta chưng quất, đào, mai trong nhà hoặc dán câu đối trước cửa để ngụ ý may mắn, bình an.

Có thể thấy rằng, ý nghĩa của Tết ông Công ông Táo không chỉ đơn giản là chuyện chuẩn bị một mâm cúng mà còn ẩn chứa một tình cảm nhân văn sâu sắc. Ở mỗi một khoảnh khắc cuối cùng của năm, dù chuyển biến qua bao thăng trầm thời gian, những nét văn hóa đặc sắc vẫn khảm sâu trong tâm trí người dân và hiện diện qua những tục lệ khi đến dịp Tết.

Có lẽ càng lớn tuổi thì thời gian càng trôi qua nhanh hơn. Dường như khi còn nhỏ mọi chuyện tồn tại mãi mãi nhưng khi lớn lên, đó chỉ là khoảnh khắc thoáng qua. Như một thông điệp may mắn, Tết ông Công ông Táo đã đến báo hiệu sự khởi đầu của những ngày xuân rộn ràng, mở đường cho Tết Nguyên đán không còn xa vời. Không gian mỗi ngõ ngách ngập tràn sắc xuân, hứa hẹn một mùa mới đầy tươi vui và rực rỡ, nơi mỗi chúng ta có cơ hội làm mới bản thân, và tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Theo Minh Dương (Phụ Nữ Số)