Cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo có ăn được không?

02/02/2024 09:55:51

Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, cá chép còn là con vật gắn liền với truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, vì thế chúng được dâng cúng trong ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Cá chép đỏ liệu có ăn được không?

Cá chép từ lâu đã không còn quá xa lạ đối với người dân Việt. Khác với cá chép thường, cá chép đỏ đi vào vầng thơ trong ngày rằm tháng Tám Âm lịch, hay cá chép đỏ xuất hiện làm lễ vật nhiều nhất trong ngày cúng tiễn Ông Công Ông Táo về Trời trong ngày 23 tháng Chạp Âm lịch.

Không những thế, loài cá chép được nhắc đến trong truyền thuyết vượt Vũ môn quan hóa rồng từ lâu đã trở thành bài học đáng quý về sự can đảm, bền bỉ và vượt khó, đi vào lòng hầu hết người dân Việt Nam. Do đó, có rất nhiều thắc mắc được đặt ra rằng, không biết liệu loài cá chép đỏ có ăn được không?

Cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo có ăn được không?
Cá chép đỏ thường gắn liền với ngày cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Trao đổi với báo Gia Đình Việt Nam, Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội cho biết, loại cá chép thường sử dụng làm thực phẩm là cá chép trắng, có thể nấu được nhiều món như hấp, om, nấu cháo, nướng…

Các nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng, 100 gam cá chép chứa 275 calo và các chất dinh dưỡng gồm: 12.2g chất béo; 2.4g chất béo bão hòa; 142.8g cholesterol; 107.1mg natri; 725.9mg kali; 38.9g protein; 5% vitamin C; 9% canxi; 15% sắt; 16% vitamin B1;…

Từ những giá trị dinh dưỡng trên, ông Sáng cho rằng cá chép là vị thuốc quý có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh và bồi bổ cơ thể rất tốt. Theo y học cổ truyền, cá chép có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều protein và nhiều vitamin. Ăn cá chép có nhiều lợi ích sức khỏe như tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ, tạo cảm giác thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa.

Ông Sáng cho biết, món ăn phổ biến nhất được chế biến từ cá chép là cá chép om dưa. Dù đây là món dễ ăn, ngon miệng nhưng mọi người chỉ nên thỉnh thoảng thưởng thức, không nên ăn quá thường xuyên. Nguyên nhân là do khi om dưa lâu cho mềm thì nhiều chất dinh dưỡng trong cá cũng bị phân hóa nhất là các vitamin, khoáng chất. Đó là lý do vì sao cá om kỹ ăn thường hay bị xơ, bã.

Ngoài ra, dưa cải thường mặn, nếu ăn nhiều sẽ khiến dư lượng muối nạp vào cơ thể, có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là với người tăng huyết áp, bệnh thận.

Lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, để cá chép mang lại giá trị và công dụng tốt nhất với sức khỏe, mọi người nên ăn cá chép hấp hoặc nấu cháo cá chép để giữ lại được nhiều giá trị dinh dưỡng.

Còn cá chép đỏ, xét về dinh dưỡng cũng giống cá chép trắng, mọi người có thể chế biến loại cá chép đỏ to để ăn. Còn loại cá chép nhỏ mùi vị không ngon, thơm bằng.

Tuy nhiên, cá chép đỏ gắn liền với truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, được dâng cúng trong ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Về tâm linh, nhiều người khuyên không nên dùng loại cá này để ăn. Ngoài ra, cá chép đỏ thường chỉ bán dịp cúng Táo quân, không bán đại trà như cá chép trắng. Do đó, mọi người ít sử dụng cá chép đỏ để chế biến.

Tuy nhiên, tùy thuộc nhu cầu, điều kiện và sở thích, mỗi người có lựa chọn riêng.

Lưu ý, khi chế biến, mọi người cần làm sạch, loại bỏ lớp màng nhầy trên da cá và lớp màng đen trong bụng, không ăn mật, ruột để tránh ngộ độc.

Cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo có ăn được không? - 1

Cách chọn cá chép ngày cúng ông Công ông Táo 2024

Việc chọn mua cá chép vô cùng quan trọng. Người xưa quan niệm, khi mua cá chép, gia chủ nên lựa chọn những con cá có màu đỏ, to, khỏe mạnh, không bị trầy xước, bong vảy…

Để biết cá có khỏe mạnh hay không, gia chủ có thể kiểm tra phần mang của chúng. Nếu mang đỏ tươi là cá đang ở trạng thái khỏe mạnh. Nếu mang đỏ thâm thì cá đã yếu và dễ chết.

Ngoài ra, gia chủ có thể thử độ khỏe mạnh của cá chép bằng cách thả tạm cá vào lu. Khi chạm vào mặt nước, cá bơi nhanh, quẫy mạnh có nghĩa là rất khỏe mạnh, sung sức.

Sau khi đưa về nhà, gia chủ nên cho cá vào thau nước sạch với ít rong để cá thích nghi. Gia chủ nên sử dụng nước sông hồ, nước giếng thay vì nước máy. Bởi, loại nước này thường có nhiều clo dễ làm chết cá.

Cách thả cá chuẩn nhất

Sách Phong tục Thờ cúng của người Việt của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, NXB Văn hoá Thông tin cho rằng, nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời. Điều này sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình.

Trong lúc thả cá, gia chủ nên nhẹ nhàng, từ tốn, tránh va chạm mạnh làm cá chết.

Sau khi thả cá xong, gia chủ nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi được. Gia chủ không nên phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Người thả cũng không nên thả cá ồ ạt hoặc có hành vi quăng, ném, vứt cả núi nilon xuống hồ nước.

Theo quan niệm dân gian, cá chép nên được thả trước giờ Ngọ - 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Do đó, ngay từ tối 22 đến sáng 23 đã có nhiều người đi thả cá.

NT (SHTT)