Từ bao đời qua, hình ảnh của những ngư dân sống quanh năm trên vịnh Hạ Long đã trở nên quen thuộc. Họ là những chủ nhân đầu tiên của di sản và bằng chính cuộc sống của mình, họ đã tạo nên những giá trị văn hoá nhân văn độc đáo cho một Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Du khách đến tham quan các làng chài trên vịnh luôn bất ngờ khi ngắm nhìn những con người, ngôi nhà, con thuyền trong không gian sóng nước mênh mông. Hình ảnh về những ngôi nhà gỗ, lớp học nổi lênh đênh trên sóng nước, các em nhỏ chèo thuyền đi học, những chiếc thuyền câu bé nhỏ cô đơn trong bóng chiều luôn ám ảnh và để lại những ấn tượng khó quên.
Để có được những hình ảnh giản dị đó, ngư dân các làng chài trên vịnh Hạ Long tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử. Quá trình hình thành và phát triển đó gắn liền với nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn nổi tiếng.
Nền văn hóa Soi Nhụ của vịnh Hạ Long có lịch sử cách ngày nay ít nhất 25.000 năm, kế tiếp là văn hoá Cái Bèo, gạch nối giữa văn hoá Soi Nhụ và văn hoá Hạ Long ngày nay.
Theo những nghiên cứu khoa học và lịch sử, từ đầu thế kỷ 19, người ta đã thấy sự có mặt của ngư dân Giang Võng (khu vực Hà Khánh), Trúc Võng (khu vực Cái Lân) trên vịnh Hạ Long mà hậu duệ của họ là những người dân chài sống trên các làng chài nổi Ba Hang, Cống Tàu, Vung Viêng, Cửa Vạn ngày nay.
Cuộc sống, sinh hoạt trên biển đã tạo ra những nét văn hóa đặc trưng riêng cho người dân làng chài trên vịnh Hạ Long.
Cùng với lịch sử phát triển lâu đời, các làng chài trên vịnh Hạ Long còn là những điểm trung chuyển, tránh trú và cũng chính là những điểm trao đổi hàng hóa của cư dân bản địa với các tàu buôn nước ngoài trước khi cập bến thương cảng cổ Vân Đồn.
Bằng chứng rõ nhất cho đến nay vẫn còn nhiều di chỉ khảo cổ minh chứng cho việc xuất hiện các mảnh gốm sứ cùng chủng loại, niên đại với thương cảng Vân Đồn.
Nằm lênh đênh giữa sóng nước, những con người làng chài đã sống và gắn bó cả cuộc đời mình với biển. Vất vả và bấp bênh, nhưng bằng tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, đời sống văn hóa của ngư dân trên vịnh Hạ Long là cả một kho tàng khổng lồ về ca dao, tục ngữ, dân ca và cả phong tục tập quán, lễ hội.
Họ đã sáng tạo nên những câu hát giao duyên trữ tình và truyền lại cho con cháu. Câu hát gửi gắm tâm tư, tình cảm của người dân làng chài. Những cung bậc của cảm xúc tình yêu, buồn vui, hờn giận. Họ hát để được giải tỏa, để trải lòng mình với sóng nước mênh mông.
Từ năm 2014, những câu hát của ngư dân vịnh Hạ Long bắt đầu “đứt đoạn”, khi cuộc sống của họ bị đảo lộn. Những con người quen với sóng nước bỗng dưng lên bờ an cư. Bè nổi, nhà cửa và cả ngư cụ đều được ngư dân bỏ lại, chuẩn bị cho một cuộc sống mới trên đất liền.
“Các ngôi nhà của ngư dân trước đây đang xuống cấp trầm trọng. Vì là tài sản công nên muốn sửa chữa cũng khó. Ban cũng muốn xã hội hóa nhưng số tiền sửa chữa những ngôi nhà này mất rất nhiều tiền và hiện vẫn có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra đảm nhiệm cả”, vị lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long nói.
Theo Hoàng Dương (Tiền Phong)