Vung tiền làm loạn phiên chợ Đông, vì sao Chelsea không phạm luật tài chính?

31/01/2023 09:10:29

Nhờ ký hợp đồng từ 6 tới 8 năm với các tân binh, Chelsea chia đều khoản phí chuyển nhượng cho mỗi năm và không vi phạm Luật công bằng tài chính (FFP).

Chelsea đang trải qua chuỗi phong độ không tốt ở mùa giải năm nay, khi chỉ ngụp lặn ở vị trí thứ 10 trên BXH Ngoại hạng Anh và cũng mới bị loại khỏi FA Cup và Carabao Cup. Tuy nhiên, có một thứ Chelsea đang làm tốt, đó là những động thái quyết liệt và mau lẹ trên TTCN.

476 triệu bảng là số tiền Chelsea đã bỏ ra chỉ trong vòng 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất để mang về những tân binh. Tổng cộng 16 cầu thủ đã đặt chân tới sân Stamford Bridge, trong đó 88 triệu bảng cho Mykhailo Mudryk (bao gồm cả phụ phí), 72 triệu bảng cho Wesley Fofana and 50 triệu bảng cho Raheem Sterling.

Vung tiền làm loạn phiên chợ Đông, vì sao Chelsea không phạm luật tài chính?

Chi tiêu mạnh tay là vậy nhưng Chelsea không hề lo lắng với luật Công bằng tài chính của UEFA (FFP) bởi họ có cách lách luật. Lý do là bởi chủ tịch Todd Boehly đều ký hợp đồng dài hạn với các tân binh và điều đó giúp Chelsea né được luật của UEFA.

Ví dụ như Mykhailo Mudryk, vừa được Chelsea ký hợp đồng 8 năm. Như vậy, Chelsea chỉ trả hơn 10 triệu bảng/năm và được xem là cách để tránh vi phạm FFP trong một mùa giải.

Ngoài ra, The Blues còn chiêu mộ 5 cầu thủ khác trong 2 kỳ chuyển nhượng gần đây đều với hợp đồng thời hạn từ 6 năm rưỡi trở lên. Đó là David Datro, Fofana, Andrey Santos, Benoit Badiashile và Noni Madueke

Việc ký hợp đồng dài hạn với các cầu thủ khiến áp lực tài chính của các đội bóng được giảm nhẹ đi đáng kể, đồng thời số tiền thực tế của một thương vụ được chi trả theo số năm của hợp đồng nên số liệu tài chính khi công bố với UEFA sẽ tốt hơn rất nhiều.

"Sự phức tạp, đôi khi rất khó giải thích, của vấn đề tài chính bóng đá giúp Chelsea vẫn tuân thủ FFP, ít nhất là tới thời điểm này", báo Anh Sunsport bình luận. Dù các CLB phải đối mặt với các cơ chế kiểm soát chi phí nghiêm ngặt hơn bao giờ hết, thực tế vẫn xảy ra những trường hợp như Chelsea.

Chelsea đã gian lận các quy tắc của FFP?

Theo luật Chuyển nhượng quốc tế của FIFA, các hợp đồng giữa CLB và cầu thủ kéo dài tối đa là 5 năm, nhưng thời hạn này có thể dài hơn theo luật pháp từng quốc gia. Theo luật của nước Anh, các CLB của giải Ngoại hạng Anh được ký hợp đồng với cầu thủ thời hạn hơn 5 năm. Và Chelsea là một trong những đội bóng đã tận dụng điều này.

Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật