Nếu không theo dõi trận đấu và chỉ xem qua số liệu thống kê, khán giả sẽ hoàn toàn bất ngờ.
Thật vậy, 21 (so với 17 của M.U) là số cú dứt điểm mà Sevilla đã tung ra suốt 90 phút trên sân Old Trafford, tỉ lệ cầm bóng cũng gần tương đương đội chủ nhà: 48,8%, số lần mất bóng là 20 (so với 13 của M.U). Khi một đội bóng bị đánh giá kém chất lượng hơn nhiều như Sevilla phải đá sân khách nhưng giành chiến thắng, người ta nghĩ ngay đến lối chơi phòng ngự phản công chặt chẽ, khoa học, ít sai sót... Nhưng Sevilla rạng sáng qua lại hoàn toàn trái ngược.
Sevilla đã chơi một trận cầu đầy sảng khoái, đúng như những gì mà người hâm mộ bóng đá đẹp mong chờ. Hơn 2/3 những cú dứt điểm của họ là... lên trời hoặc cách rất xa khung thành - một điều dễ hiểu khi Sevilla không có nổi chân sút cự phách nào. Ngôi sao số một của đội bóng chỉ là tiền vệ Ever Banega - được định giá vỏn vẹn 10 triệu bảng Anh trên thị trường chuyển nhượng.
Không có sự sắc sảo nhưng Sevilla lại thừa sức mạnh tinh thần. Hai bàn thắng ở phút 74, 78 của cầu thủ vào sân thay người Ben Yedder thật sự không quá bất ngờ, bởi đó là điều các CĐV “quỷ đỏ” đã nơm nớp lo sợ suốt từ trận lượt đi do M.U cứ mãi “co đầu chịu trận”. Khi chơi trên sân khách, M.U phòng thủ toàn diện và cầm hòa 0-0 nhờ tài năng của thủ môn De Gea. Trên sân nhà, họ cũng không dám tấn công nhiều vì e sợ luật bàn thắng sân khách (sẽ bị loại nếu hòa có bàn thắng).
Rốt cuộc, logic của ông Mourinho là gì? Khắp các diễn đàn, fanpage của CĐV M.U sau trận lại là những lời kêu gọi sa thải HLV Mourinho được gióng lên. Liệu ông Mourinho có đáng bị đối xử như vậy sau gần 2 năm dẫn dắt “quỷ đỏ”?
Trước tiên, hãy nhìn vào những con số. Thắng 67, hòa 24 và thua 18 trong 109 trận, M.U dưới thời HLV Mourinho đạt tỉ lệ chiến thắng cao nhất trong lịch sử (61,47%). Trong 2 năm dưới thời Van Gaal, tỉ lệ này là 52,43%, còn với David Moyes là 52,94%, ngay cả kỷ nguyên rực rỡ của Sir Alex Ferguson cũng chỉ đến 59,47%. Về số lượng bàn thắng, thời của HLV Mourinho, M.U ghi trung bình 1,76 bàn/trận, con số tương tự dưới thời các ông Ferguson, Moyes và Van Gaal lần lượt là 1,85, 1,69 và 1,53.
Điều này cho thấy HLV Mourinho chưa hẳn là một HLV thất bại. Nhưng bóng đá không phải điền kinh hay bơi lội để có thể nhìn nhận sự thành công hay thất bại hoàn toàn qua những con số. M.U trong tay Mourinho nhiều lúc khiến CĐV “quỷ đỏ” cảm thấy hổ thẹn, khi một đội bóng áp đảo đối thủ về số cầu thủ ngôi sao lại cứ chăm chăm phòng ngự.
Nói đến những con số, M.U trong tay Mourinho là M.U đắt giá nhất lịch sử khi được Transfermarkt định giá 667,5 triệu bảng. Khi HLV Van Gaal rời đội vào cuối mùa 2015-2016, M.U lúc đó chỉ được định giá chưa đầy 500 triệu bảng. Hơn 2/3 trong tổng số tiền 313 triệu bảng M.U chi ra trên thị trường chuyển nhượng 2 năm qua là dành cho những ngôi sao tấn công. Mua nhiều cầu thủ tấn công đến thế làm gì khi cứ vào trận cầu quan trọng M.U lại chơi phòng ngự?
Thất bại chưa phải là điều gì đó quá tồi tệ, nhưng cách ông Mourinho thất bại khiến người ta phải ngao ngán. M.U sẽ đi về đâu với một phong thái, lối chơi như vậy?
M.U dưới thời Mourinho:
109 trận: Tỉ lệ thắng 61,47%
Ghi 1,76 bàn/trận
Giá trị đội hình: 667,5 triệu bảng
Số danh hiệu: 1 Europa League, 1 Cúp liên đoàn, 1 siêu cúp Anh
Theo Huy Đăng (Tuổi Trẻ)