Mourinho là con người thật mâu thuẫn. Ông sắc sảo, đầy uy quyền, luôn khiêu khích bằng ngôn từ nhưng lại thụ động trong cách tiếp cận trận đấu. 15 năm đã trôi qua kể từ khi đưa tập thể vô danh của Porto lên đỉnh cao châu Âu, Mourinho vẫn vậy. Ông chỉ thật sự mạnh khi bị đặt vào thế yếu và yếu đuối khi phải đá trong tư thế đội mạnh.
Để hiểu rõ cái phức cảm của Mourinho, cần phải đào bới lại quá khứ. Mourinho, con của một HLV tầm thường tại Bồ Đào Nha, luôn phải sống trong phập phù từ sinh kế của người cha. Có giai thoại kể lại rằng cha ông từng bị sa thải trước dịp Giáng sinh, khiến cho cả nhà phải trải qua một mùa lễ hội thật buồn thảm. Đấy là lý do khi trở thành HLV sau này, ông chọn con đường thực dụng. Chiến thắng là tối thượng, bằng cách nào không quan trọng. Ông cũng không muốn giống như bố mình thường xuyên bị đe dọa đuổi việc, nên chọn phương châm "thà ta phụ người, chứ không để người phụ ta".
Hãy nghe kỹ lời của Mourinho sau khi bị Sevilla loại ở Champions League tối qua: “Tôi không muốn làm quá thất bại này lên. Đây là bóng đá, có phải tận cùng của thế giới đâu. Huống chi Man Utd cũng đã quen với cảm giác này. Tôi từng ngồi trên chiếc ghế họp báo này hai lần khi Man Utd bị loại bởi Porto và Real Madrid, hai đội bóng do tôi cầm quân. Cho nên, việc này không có gì mới mẻ cả”.
Một HLV không chỉ châm chọc đối thủ, mà còn mỉa mai đội bóng do chính mình dẫn dắt. Lời Bobby Charlton khi cản Ban lãnh đạo Man Utd chọn Mourinho thay Alex Ferguson năm nào hiện ra rõ mồn một: “Tôi không thích Jose, vì khi đội bóng khó khăn, ông ấy chỉ nghĩ về mình thay vì nghĩ về đội bóng của chúng ta”. Và sau đó Mourinho hết thích Charlton. Khi còn ở Real, Mourinho cũng từng… nghỉ chơi với một huyền thoại khác: Alfredo di Stefano. Chủ tịch danh dự của Real quá thất vọng với sự nhút nhát của đội nhà khi đá với Barca đã bình luận: “Tôi không thích Real của ông ấy. Trông họ như những con chuột, rúm ró lại trước con mèo Barca”.
Với những CLB có lịch sử lẫy lừng như Real và Man Utd, rõ ràng việc đá ở thế “cửa dưới” là một sự sỉ nhục. Nhưng đã chọn Mourinho, Ban lãnh đạo đội chủ sân Old Trafford cũng hiểu họ khó mà lay chuyển được ông. Vì nếu như Mourinho thay đổi, ông đã không còn là Mourinho.
Hãy nhớ lại nghề nghiệp của Mourinho trước khi trở thành HLV trưởng: một phiên dịch và một nhà trinh sát. Là một phiên dịch, bạn chuyển tải lại lời mà người khác vừa nói. Là một trinh sát viên, bạn quan sát và phản biện lại lối chơi của đối thủ. Tức là ngay từ khi khởi nghiệp, Mourinho đã làm cái việc dựa trên một thứ đã có sẵn. Nó khác với việc tự mình phải tư duy để nghĩ ra một sản phẩm mới, một lối chơi mới. Và lối chơi của Mourinho, sau một thập kỷ rưỡi cầm quân vẫn tuân thủ chừng ấy nguyên tắc:
1. Đội nào cầm bóng nhiều hơn sẽ sợ mất bóng nhiều hơn
2. Đội nào chuyền bóng nhiều hơn sẽ có khả năng mất bóng nhiều hơn
Triết lý này đặc biệt hiệu dụng khi đá với những đội mạnh. Như với Liverpool cách đây bốn ngày, Man Utd bị đối phương dồn ép nhưng chỉ với hai đường bóng dài của David de Gea, một cú đánh đầu nối của Romelu Lukaku và một cú dứt điểm của Marcus Rashford, Man Utd có liền hai bàn. Đơn giản tuyệt đối, thực dụng tuyệt đối.
Và cũng chẳng có gì mâu thuẫn khi bốn ngày sau cũng Man Utd ấy thua Sevilla. Bởi vì Sevilla... không mạnh như Liverpool. Và khi đá với đội yếu, áp lực sân nhà buộc Man Utd phải tấn công, Mourinho lập tức lộ ra những sở đoạn. Cũng giống như một nhà phê bình phim lừng danh bỗng một hôm bị ép phải đi… làm phim, một nhà phản biện thơ bị ép đi… làm thơ vậy! Mourinho không phải nhà thơ hay nhà làm phim. Thành ra ông không biết làm gì khi phải cầm bóng. Thà là Sevilla cứ dồn ép đi, họ còn có ý chí phản kháng. Đằng này đội khách cứ mời tấn công, và họ loay hoay vì đâu có bao giờ được Mourinho cho tập đá tấn công.
Alexis Sanchez, ngôi sao tấn công hưởng lương cao nhất Premier League đã mất bóng tổng cộng 42 lần chỉ sau 180 phút đá với Sevilla. Tin nổi không con số ấy lại đến từ một ngôi sao đẳng cấp thế giới? Khó tin, nhưng lại… hợp lý. Vì Alexis đâu có biết chuyền cho ai khi có bóng, chiến thuật của Man Utd mặc định cho việc phản công, và Alexis buộc phải lùi về phòng ngư thật sâu. Nếu Pep Guardiola kêu gọi cầu thủ phòng ngự tấn công thì Mourinho là bậc thầy của việc ép cầu thủ tấn công phòng ngự.
Hèn nhát ư, bảo thủ ư, thụ động ư? Cũng đúng mà lại không đúng. Vì Mourinho thành công nhờ vào con đường phản biện. Người ta không thể ép ông làm khác, cũng như Arsene Wenger không thể đậu xe buýt dù Arsenal thất bại hết năm này đến năm khác.
Man Utd chọn Mourinho, tức là chấp nhận hy sinh truyền thống để chọn lấy kết quả. Bây giờ kết quả không tốt, họ đành phải trự trách mình. Ben Yedder đâu phải ngôi sao hàng đầu thế giới, nhưng vẫn có thể trở thành “Big Ben” với một cú đúp. Vincenzo Montella đâu phải HLV xuất sắc, vẫn hạ được "Người Đặc Biệt" ngay trên sân đối thủ. Sevilla là một đội khá ở La Liga mùa này, vẫn quật ngã đội đứng thứ hai Premier League.
Còn các CĐV Man Utd bây giờ như đứng chơ vơ giữa sân khấu, mà phía sau là tấm màn nhung đang lẩn khuất một bóng ma. Bóng ma ấy luôn nhắc nhở cho họ về sự vĩ đại kiêu hãnh của một con “Quỷ đỏ”. Bóng ma ấy người Scotland, miệng nhai kẹo cao su, mắt nhìn đồng hồ và luôn ép cầu thủ phải đá chết bỏ mỗi khi vào sân:
Sir Alex Ferguson!
Theo Hoài Thương (VnExpress.net)