V-League 2021: Người muốn đá, kẻ muốn hủy

21/08/2021 07:51:04

Kế hoạch tạm dừng giải bóng đá VĐQG, LS V-League 2021 của VPF và VFF đang bị xới lên sau phản ứng gay gắt của CLB Hải Phòng.

V-League 2021: Người muốn đá, kẻ muốn hủy
LS V-League đang vui bỗng ồn ào vì phải tạm dừng vì dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tú

Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn trên một số tờ trang tin đã liên tục lên tiếng chỉ trích VPF với lý do kế hoạch hoãn giải sang năm 2022 khiến các CLB gặp khó khăn về kinh tế. Ông Hoàn tuyên bố “không chào đón quan chức VPF đến sân Lạch Tray”. VPF sau đó ra văn bản yêu cầu Hải Phòng giải trình các phát biểu của ông Hoàn do “làm ảnh hưởng tới hình ảnh bóng đá Việt Nam”. Đáp lại, ông Hoàn, được biết đến với biệt danh Hoàn “pháo” khi là CĐV đội bóng đất cảng, đã gửi một lá “thư ngỏ” rất dài tiếp tục chỉ trích VPF.

Để đi tới quyết định lùi V-League và các giải chuyên nghiệp quốc gia qua năm 2022, VPF đã lấy ý kiến của HĐQT và 27 CLB để chốt. Được biết, hơn 60% thành viên HĐQT nhất trí với phương án trên.

Theo một lãnh đạo VPF, việc hủy giải chỉ được đưa ra trong tình thế bất khả kháng. “Nếu hủy giải, thu nhập của khoảng 1.000 cầu thủ sẽ như thế nào? Hệ thống thi đấu quốc gia của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, chúng ta cũng có thể mất các suất dự cúp châu lục. Về tài chính, số tiền đã chi ra cho 12 vòng đấu sẽ trở nên lãng phí. Đây cũng là kế hoạch dự kiến chứ VPF không duy ý chí. Tới đây nếu diễn biến dịch ổn, BTC có thể làm việc với các CLB để đưa ra phương án mới”-vị trên cho biết.

Về phía các đội bóng, có 6 CLB không có ý kiến. Số CLB đồng ý với kế hoạch của VPF, 11/27, chiếm hơn 40%. Số không đồng ý với kế hoạch của VPF nhưng đề xuất giải tiếp tục đá là 8/27, chiếm tỉ lệ 29,63%. Không đồng ý và muốn dừng giải tại thời điểm hiện tại, hủy giải: 7/27, tỉ lệ 25,93%.

Tính riêng V-League, có 6 đội muốn dừng giải tại thời điểm vòng 12, hủy giải luôn gồm: Hải Phòng, SLNA, Nam Định, Bình Dương, Hà Tĩnh, Sài Gòn FC. Đội có thứ hạng cao nhất trong nhóm này là Nam Định (thứ 4). Có 3 đội đang ở cuối bảng xếp hạng là Hải Phòng (14 điểm), Sài Gòn FC (13 điểm) và SLNA (10 điểm).

CLB HAGL cho biết do dịch COVID-19 với biến thể Delta đang diễn biến nghiêm trọng, khó lường, có xu hướng lan ra toàn quốc nên đội bóng của bầu Đức ủng hộ chủ trương ưu tiên chống dịch. HAGL đồng ý hoãn giải tới tháng 2/2022, nhưng đề nghị VFF kiến nghị FIFA cho phép các CLB kéo dài thời gian thay thế các cầu thủ ngoại giai đoạn 2. Trên cơ sở đó, CLB sẽ đàm phán thanh lý hợp đồng với các cầu thủ trước thời hạn, và bổ sung cầu thủ mới.

Gánh nặng tài chính vào vai ai?

Đội đang xếp nhì bảng Viettel (kém HAGL 3 điểm), đề xuất VPF tiếp tục tổ chức giải từ 23/8-4/10/2021 để tránh gây ảnh hưởng tới hợp đồng tài trợ, quảng cáo…và kế hoạch mùa giải 2022. Viettel chấp nhận các cầu thủ đang tập trung đội tuyển Việt Nam không tham gia giai đoạn còn lại của V-League 2021 và cúp quốc gia còn về địa điểm thì theo phương án đá tập trung. Đông Á Thanh Hóa muốn tổ chức V-League theo nguyên tắc “bong bóng”.

Các đội muốn hủy giải như Hải Phòng, Nam Định, Bình Dương… đều cho rằng việc hoãn giải kéo dài ảnh hưởng tới tài chính CLB, rắc rối trong hợp đồng với cầu thủ do một số ký hết mùa giải, một số theo năm hoặc tháng. CLB sẽ phải chịu chi phí tốn kém. Bình Dương vì vậy đề nghị hủy giải, công nhận chức vô địch cho HAGL và không có đội xuống hạng.

Cá biệt, Hải Phòng đưa ra kiến nghị hủy giải, công nhận vị trí hiện tại và sau đó… cho HAGL đá tranh cúp vô địch với Viettel.

Theo N.P (Tiền Phong)