Bị phản ứng gay gắt, VPF lý giải việc dừng V-League suốt nửa năm

21/07/2021 13:38:17

Nguyên nhân lớn nhất phải hoãn giải trong gần nửa năm là quỹ thời gian cho thấy từ ngày 2-8-2021 cho đến ngày 1-2-2022, liên tục là kế hoạch thi đấu cùng với thời gian thực hiện quy định cách ly y tế của đội tuyển quốc gia khi tham dự các trận đấu, giải đấu quốc tế.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết Công ty VPF đã gửi công văn, phiếu xin ý kiến đến 27 CLB V-League và hạng Nhất tham dự mùa giải 2021, cùng các cổ đông về dự kiến phương án, kế hoạch tiếp tục tổ chức các giải đấu.

Đáng nói là trước đó ngày 16-7, VPF xin ý kiến các thành viên Hội đồng Quản trị về việc này (chủ yếu là hoãn V-League đến tháng 2-2022), với đa số phiếu thống nhất cao, nhưng lại thiếu thông tin cho các CLB khiến bị phản ứng gay gắt.

Bị phản ứng gay gắt, VPF lý giải việc dừng V-League suốt nửa năm
Các cầu thủ đối diện với nguy cơ nghỉ dài suốt nửa năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Bầu Đức và đại diện một số CLB lên tiếng chỉ trích VPF thiếu tôn trọng các CLB, là chủ thể của cuộc chơi và thiếu nhiều phương án khác có thể hợp lý trong từng thời điểm mà chỉ áp đặt mỗi kế hoạch dừng V-League cả nửa năm.

Theo đó, phương án duy nhất của VPF là ngày 12-2-2022, V-League mới tái xuất bằng các trận đấu bù vòng 13 và bốn ngày sau đá lượt về, kết thúc ngày 12-3-2022. VFF lý giải việc chọn phương án này để hoàn thành công tác tổ chức các giải đấu 2021 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và được sự cho phép của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng liên quan.

Dĩ nhiên, VPF cũng nghĩ đến thời gian thi đấu kéo dài sang năm 2022, gây nhiều khó khăn cho các CLB và đơn vị tổ chức giải, đồng thời sẽ điều chỉnh một số quy định pháp lý liên quan nhằm phù hợp với giải đấu. Còn nếu các giải đấu 2021 không hoàn thành mà phải hủy, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như: đền bù hợp đồng tài trợ đối với CLB, tương tự VPF sẽ phải đền bù các hợp đồng tài trợ đã ký, cộng với khả năng không kêu gọi được tài trợ cho các mùa giải sau,... Đối với nền bóng đá Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng cầu thủ tham gia các giải đấu mang tầm quốc tế giảm sút đáng kể.

Bị phản ứng gay gắt, VPF lý giải việc dừng V-League suốt nửa năm - 1
Một số CLB yêu cầu VPF cần xây dựng nhiều phương án có tính khả thi khác, chứ không phải chỉ duy nhất việc lùi giải sang năm. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Việc nỗ lực hoàn thành công tác tổ chức mùa giải 2021 sẽ góp phần duy trì hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước, tạo môi trường thi đấu để cầu thủ nâng cao năng lực chuyên môn, giúp cho các đội tuyển quốc gia có lực lượng mạnh nhất để tham gia các giải đấu quốc tế; đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhà tài trợ, từ CLB đến đơn vị tổ chức giải.

Riêng với các giải khác, VPF đưa ra phương án tiếp tục tổ chức, như hạng Nhất dự kiến trở lại từ ngày 20-11-2021 và kết thúc vào ngày 14-1-2022; Cúp quốc gia tái xuất ngày 17-1-2022 và kết thúc ngày 18-3-2022 đều theo thể thức hiện hành.

VPF đã gửi phiếu xin ý kiến đến CLB góp ý, hoặc đề xuất các phương án khác từ nay cho đến ngày 23-7-2021. Trên cơ sở các đóng góp từ CLB, các cổ đông, VPF sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự kiến kế hoạch để báo cáo VFF xem xét ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục tổ chức mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2021.

Theo Ngọc Anh (Pháp Luật TPHCM)