Ở trận đấu với U22 Lào, U22 Việt Nam đã ra sân với cặp tiền vệ trung tâm Đức Phú-Thái Sơn. Không phải ngẫu nhiên, có những quan ngại về khả năng quán xuyến khu vực giữa sân của U22 Việt Nam. Đức Phú không thực sự xuất sắc trong màu áo PVF-CAND, Thái Sơn cũng chỉ giữ vai dự bị tại Thanh Hoá.
Hàng tiền vệ hoạt động không hiệu quả đã khiến tỉ lệ kiểm soát bóng của U22 Việt Nam trước U22 Lào khá thấp (56% so với 44%), đồng thời các tình huống tấn công cũng thiếu đột biến. U22 Việt Nam thậm chí nhiều thời điểm bị đối thủ ép sân do khả năng đánh chặn từ xa không hiệu quả.
Một điểm yếu của U22 Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra, là đội bóng của ông Philippe Troussier thiếu nhạc trưởng thực thụ, làm điểm tựa về cả chuyên môn và tinh thần cho đồng đội. Đây là bất lợi của ông Troussier so với người tiền nhiệm Park Hang-seo trước đây. Ông Park ở cả hai lần giành HCV SEA Games đều nắm trong tay lực lượng mạnh với sự bổ sung của các tuyển thủ quốc gia hàng đầu như Trọng Hoàng, Hoàng Đức hay Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng và Tiến Linh. Sự góp mặt của các ngôi sao trên tạo nên sự khác biệt của Việt Nam với các đối thủ trong khu vực, vốn không gọi những tuyển thủ quốc gia xuất sắc nhất dự SEA Games.
Thắng lợi 2-0 trước U22 Lào dù vậy vẫn giúp U22 Việt Nam có khởi đầu suôn sẻ ở SEA Games 32. Thực tế ở trận đấu này, ông Troussier có vẻ như chưa sử dụng hết những quân bài ưng ý nhất. Giới hâm mộ vì vậy có thể chờ đợi U22 Việt Nam chơi hay hơn khi chạm trán U22 Singapore ở lượt trận thứ 2.
Theo Tiểu Phùng (Tiền Phong)