Sau Man xanh, có thể là...không ai cả!

30/07/2015 13:41:11

Có những câu chuyện tưởng rất nhỏ, nhưng hóa ra không hề nhỏ khi chính chúng ta mới là những người "đuổi" các đội bóng lớn, tên tuổi của Thế giới đến với dải đất hình chữ S...Và rất có thể, sau Manchester City phải rất lâu nữa người hâm mộ nước nhà mới có thể được chiêm ngưỡng những trận đấu mà ở đó là Man Utd, Chelsea hay Barca...

Có những câu chuyện tưởng rất nhỏ, nhưng hóa ra không hề nhỏ khi chính chúng ta mới là những người "đuổi" các đội bóng lớn, tên tuổi của Thế giới đến với dải đất hình chữ S...Và rất có thể, sau Manchester City phải rất lâu nữa người hâm mộ nước nhà mới có thể được chiêm ngưỡng những trận đấu mà ở đó là Man Utd, Chelsea hay Barca...

Trung bình một năm, Thái Lan, Singapore hay Malaysia sẽ đón ít nhất 2-3 đội bóng tên tuổi đến với mình để tham dự các trận đấu mang nhiều tính thương mại nhiều hơn là về chuyên môn.

Nhưng, với Việt Nam thì không bất chấp 20 năm qua bóng đá dải đất hình chữ S đã là một trong số những nền bóng đá tốt nhất khu vực, cũng như kinh tế phát triển tương đối nhanh.

Nói về tỉ phú USD, có thể người Việt chưa nhiều bằng những đại gia người Thái, Sing hay Indonesia...Thế nhưng, để bỏ tiền mời một đội bóng danh tiếng đến rõ ràng không phải chuyện quá khó đối với bầu Đức, bầu Hiển hay hàng trăm đại gia khác.

Việc phát triển thị trường sau chuyến du đấu của Man City và các CLB danh tiếng ở Việt Nam không hề đơn giản. Ảnh: SN


Bằng chứng rằng, sau vài lần thương thảo thương hiệu Arsenal đã đến rất gần với bóng đá Việt bằng một học viện bóng đá của bầu Đức. Và dù rằng, chưa phải chính thống là lò của đội bóng nước Anh, nhưng rõ ràng để được gắn thương hiệu là không phải chuyện đơn giản.

Tuy nhiên, tính từ năm 1996 đến nay tức gần 20 năm ròng rã người hâm mộ Việt Nam mới chỉ được chứng kiến Juventus, Arsenal, Manchester City đến theo những hợp đồng thương mại, một con số quá ít ỏi đối với sự mong mỏi của những người yêu bóng đá Việt.

Vì sao? Rất đơn giản, với các đội bóng danh tiếng họ không nhìn thấy ở dải đất hình chữ S tiềm năng kinh tế sau mỗi trận đấu, bất chấp dân số Việt đông đảo hơn Sing, hay Thái Lan, Malaysia.

Nói một cách đơn giản, Chelsea đến với Thái Lan với mục tiêu bán áo đấu là chủ yếu, ở thị trường này lãnh đạo đội bóng nước Anh tin rằng họ có thể kiếm rất nhiều tiền từ việc bán đồ lưu niệm.

Nhưng, đối với thị trường Việt khi mà đồ lưu niệm, áo đấu xịn trong 1 shop hàng thể thao được đứng chung với hàng "fake" và người hâm mộ sử dụng hàng nhái nhiều hơn hàng xịn thì rõ ràng đừng mong những đội bóng lớn đến thường xuyên, nếu không bỏ rất nhiều tiền lẫn đội bóng đó không "tiện đường".

Về cơ bản, chúng ta - người hâm mộ luôn tỏ ra hào phóng đối với những tấm vé bạc triệu, nhưng một áo đấu xịn của đội bóng mà mình yêu luôn có nhiều đắn đo thì đừng mong những Man Utd, Chelsea...đáp lại tình yêu bằng việc đến để du đấu.

Bởi đơn giản, với Real, Man Utd...tình yêu đôi khi được đánh giá bằng thị trường áo đấu, đồ lưu niệm. Thế thôi!

...đến văn hóa tiếp khách

Về cơ bản, chúng ta chẳng thiếu sự hiếu khách và cũng không phải lấy gì làm xấu hổ khi đọc những bài phát biểu dài, giới thiệu đầy đủ ban bệ như ở trận đấu với Man xanh vừa qua. Bởi đó là căn bệnh từ rất lâu nay, chứ không phải bây giờ mới thấy.

Các cầu thủ Man City và cả báo giới Anh không hài lòng với cách tổ chức trận đấu. Ảnh: SN

Chỉ có điều, lẽ ra những bài phát biểu ấy nên được sử dụng trước khi các cầu thủ ra sân thay vì việc đưa 2 đội bóng ra và đứng như những "thằng hề" khi vốn chẳng hiểu những gì người ta nói.

Chúng ta trọng thị khách đến, đó là điều cần nhưng không có nghĩa bằng những lời phát biểu sáo rỗng, bằng những lẵng hoa...Nhất là khi khách đến mang mục đích kiếm tiền, đá xong là về như Man xanh, như Arsenal...

Mỗi quốc gia đều có văn hóa, văn hóa tiếp khách khác nhau. Nhưng điều quan trọng, cơ bản nhất chính là sự lịch thiệp và giúp "khách đến" không cảm thấy phiền phức như cái cách mà chúng ta vừa làm.

Và chắc gì, Man xanh đã thích trong vài ngày ở dải đất hình chữ S phải tham gia hàng loạt hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hóa của nước sở tại kể cả khi đó nằm trong hợp đồng, và được tính bằng tiền.

Thế nên, chúng ta cũng đừng cảm thấy khó chịu khi vài tờ báo nước ngoài "đá đểu" việc nghi thức trước trận đấu diễn ra cách đây vài ngày một cách cay nghiệt như thế.

Bóng đá, hãy đơn giản để nó là bóng đá, đừng ép nhau vào câu chuyện văn hóa ứng xử, về những thứ cao vời vợi mà không phải khi nào chúng ta đã là nhất.

Vậy nên, hãy để những khách quý với người hâm mộ bóng đá nước nhà quay trở lại bằng một hợp đồng thương mại, nhưng hào hứng với cách ứng xử văn minh, đơn giản thay vì miễn cưỡng đến nhận tiền rồi về như thế...
 
>> Tuyển thủ Việt Nam "chém gió" phần phật về Man City
>> Sự cố fan Việt ở chuyến du đấu của Man City: Nỗi hổ thẹn của truyền thông
>> Bầu Hiển: "Vì nỗi nhục 5 năm trước mà đưa Man City sang Việt Nam"

Theo Duy Nguyễn (Thể Thao VietNamNet)

Nổi bật