Ngay cả trước khi Olympic Paris 2024 chính thức bắt đầu, VĐV cưỡi ngựa của tuyển Anh Charlotte Dujardin đã buộc phải rút lui vì bị cấm thi đấu 6 tháng, sau khi đoạn video ghi lại cảnh cô tàn nhẫn quất một con ngựa ít nhất 25 roi trong một phút được phát tán. Tranh cãi của VĐV chỉ là phần nhỏ trong danh sách dài dặc những bê bối đã phủ bóng đen lên lịch sử Thế vận hội. Cùng xem lại những vụ bê bối lớn nhất và gây sốc nhất lịch sử Olympic trong nhiều năm qua.
Nữ VĐV nhảy cầu bị tố đuổi đồng đội ra khỏi phòng để làm "chuyện ấy" cùng trai đẹp ngay trước ngày thi đấu
Chuyện xảy ra ở Thế vận hội Rio năm 2016, bộ đôi VĐV Ingrid Oliveira và Giovanna Pedroso của Brazil tham gia tranh tài ở chung kết nội dung nhảy cầu đôi ván cứng 10 mét. Tuy nhiên, cả hai gây thất vọng khi đội sổ với số điểm chỉ là 280.98. Màn trình diễn của họ bị truyền thông chỉ trích nặng nề và dán nhãn là "thảm hại". Ngay sau đó, Giovanna Pedroso đã bức xúc chia sẻ trên báo chí, khẳng định sở thích quan hệ tình dục vô độ của người đồng đội Ingrid Oliveira là nguyên nhân khiến cô tan mộng đoạt huy chương Olympic.
Theo báo cáo, Ingrid (khi đó 20 tuổi), và VĐV chèo thuyền điển trai Pedro Goncalves đã quan hệ tình dục kéo dài vào đêm trước khi cô và Giovanna (17 tuổi) thi đấu chung kết. Giovanna nổi giận: "Tôi đã chờ đợi 4 năm để có mặt tại Thế vận hội và với cô ta thì chỉ có sự vui vẻ. Vì thế, cô ta đã đuổi tôi ra khỏi phòng".
Nhiều năm sau, Ingrid đã công khai phủ nhận việc cô đuổi đồng đội ra khỏi phòng. Cô cũng khẳng định rằng mình không phải là VĐV duy nhất quan hệ tình dục trong các cuộc thi đấu đỉnh cao. “Mọi người không biết, nhưng ở Thế vận hội thì đó là chuyện bình thường. Bạn nên thấy số lượng bao cao su được phân phối ở Làng Olympic. Chúng ở khắp mọi nơi, kể cả căng tin và không phải để mọi người làm bóng bay".
Cặp song sinh "thế thân" bất thành
Ở Olympic Los Angeles năm 1986, VĐV nhảy xa của Puerto Rico - Madeline de Jesus bị thương gân kheo. Theo lịch thi trước đó, cô sẽ tham gia thi đấu tiếp sức 4x400. Nữ VĐV này đã lên một kế hoạch để người chị em sinh đôi của mình cũng là một VĐV - Margaret - mạo danh mình thi đấu một vòng loại.
Nhưng mọi chuyện vỡ lở khi HLV trưởng của đội Puerto Rico - Freddie Vargas, phát hiện ra sự lừa dối này và rút đội khỏi cuộc thi. Madeline và chị gái cô đã bị cấm tham gia các sự kiện sau đó. Các thành viên trong đội tiếp sức cũng bị đình chỉ trong một năm.
Vụ cướp giả
Chuyện diễn ra ở Olympic Rio 2016, VĐV bơi lội Ryan Lochte cùng với những người khác của Đội tuyển Hoa Kỳ là Gunnar Bentz, Jack Conger và Jimmy Feign đi ra ngoài để ăn mừng vòng chung kết của cuộc thi bơi kéo dài 8 ngày. Nhóm VĐV di chuyển bằng taxi, tới một trạm xăng thì yêu cầu tài xế dừng lại. Theo Ryan, lúc này, nhóm VĐV đã bị tấn công bởi những người đàn ông có vũ trang mà anh tin là cảnh sát. Anh khẳng định có người đã chĩa súng vào đầu và lấy tiền trong ví của mình.
Tuy nhiên, đoạn phim giám sát lại cho thấy sự thật hoàn toàn khác. Trong video, nhóm VĐV bơi lội đã phá hoại tài sản và đi tiểu trên mặt đất. Những người bảo vệ có vũ trang tại nơi này đã yêu cầu họ bồi thường thiệt hại. Sau khi lời nói dối bị phát hiện, Ryan thừa nhận anh đã phóng đại những gì đã xảy ra. Kết quả, Ryan Lochte bị đình chỉ trong 10 tháng và mất một số hợp đồng tài trợ.
Cú đá gây sốc
Ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008, VĐV Taekwondo người Cuba - Angel Matos - đã đối đầu với Arman Chilmanov của Kazakhstan. Angel được hưởng một phút tạm dừng sau khi bị thương ở hiệp 2. Khi hết giờ tạm nghỉ, Angel vẫn không tiếp tục thi đấu. Trọng tài người Thụy Điển Chakir Chelbet, đã truất quyền thi đấu của anh.
Tức giận với quyết định đó, Angel tiến đến gần trọng tài và đá vào mặt ông Chakir Chelbet, khiến ông ngã xuống đất. Võ sĩ này cũng xô đẩy và cãi nhau với các trọng tài khác trước khi bị đuổi ra ngoài. Hành động của Angel đã bị lên án rộng rãi. Liên đoàn Taekwondo Thế giới đã cấm Angel và HLV của anh tham gia mọi sự kiện thi đấu suốt đời.
Vụ gian lận lớn nhất
Boris Onishchenko - VĐV đến từ Liên Xô - đã phải nhận biệt danh "kẻ gian lận" sau kì Thế vận hội Mùa hè 1976 ở Montreal. VĐV này đã gắn một nút đặc biệt vào thanh kiếm của mình, cho phép anh ghi cú đánh vào hệ thống tính điểm điện tử mà không cần chạm vào đối thủ.
Trên thực tế, nhiều đòn đánh được tính điểm khi thanh kiếm của Boris vẫn còn ở giữa không trung. Đối thủ của anh đã bối rối vì chắc chắn rằng mình không bị đánh trúng.
Cuối cùng, BTC đã kiểm tra thanh kiếm của Boris Onishchenko và phát hiện có gắn thiết bị gian lận. Ông đã bị loại khỏi Thế vận hội và bị đuổi về nhà. Ông lui về cuộc sống bình lặng, làm tài xế taxi ở Kyiv.
Gian lận tuổi
Sau màn trình diễn đáng khen ngợi tại Thế vận hội Sydney 2000, đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Trung Quốc đã giành huy chương đồng. Tuy nhiên, BTC đã thu hồi giải thưởng và trao cho đội Mỹ. Nguyên nhân vì tuyển Trung Quốc vi phạm quy định, khai gian tuổi của Dong Fangxiao. Khi ấy, nữ VĐV này mới 14 tuổi, nhưng độ tuổi phù hợp để tham gia Olympic là 16. Quy định này được đưa ra vào năm 1997 để bảo vệ các VĐV Olympic trẻ tuổi. Tuyển Trung Quốc cũng phải nộp phạt sau cuộc điều tra về gian lận tuổi.
Tuyển nga sử dụng doping tràn lan
Tại Thế vận hội Rio năm 2016, Cơ quan Chống Doping Thế giới phát hiện các VĐV Nga đã sử dụng thuốc tăng cường hiệu suất một cách có hệ thống. Các quan chức thể thao Nga cũng bị cáo buộc đã tham gia che đậy việc này.
Một cuộc điều tra cho thấy các xét nghiệm dương tính với chất cấm đã được hoán đổi với các mẫu âm tính. Ủy ban Olympic quốc tế đã ban hành một số lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm cờ Nga và quốc ca của nước này tại Thế vận hội.
Hơn 1.000 VĐV đã phải chịu tổn thương lâu dài về thể chất và tâm lý do sử dụng doping
Sau Thế chiến thứ II, quân Đồng minh chia nước Đức thành hai phần - Đông và Tây. Từ năm 1964 đến năm 1988, đội tuyển Olympic Đông Đức đã mang về nhiều HCV, 192 HCB và 177 HCĐ một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra rằng khoảng 9.000 VĐV đã bị cho dùng doping để có lợi thế hơn đối thủ. Các bác sĩ và HLV đều tham gia vào kế hoạch phức tạp này.
Các VĐV chỉ mới mười tuổi được thông báo rằng họ đang được cung cấp vitamin. Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, một số VĐv đã lên tiếng kể về câu chuyện sử dụng doping này. Hơn 1.000 VĐV đã phải chịu tổn thương lâu dài về thể chất và tâm lý do sử dụng doping, bao gồm vô sinh và tổn thương thận.
Một cuộc điều tra về vụ bê bối sử dụng doping diễn ra vào đầu những năm 1990. Trong khi 1.000 VĐV được mời đến để làm chứng, chỉ có 300 người xuất hiện.
Theo AK14 (Nguoiduatin.vn)