Cái tính thẳng tưng, thích gì nói nấy của bầu Đức, chẳng ai không biết. Ngang tàng là thế, nhưng trong cuộc đời mình, bầu Đức vẫn nhiều lần nhún nhường nếu đó là việc liên quan đến bóng đá. Ví dụ như có lần ông nói: “Ngoài lần cưới vợ, đây là lần thứ hai tôi thắt ca-ra-vát”, trong sự kiện ra mắt học viện HAGL Arsenal JMG của ông. Hoặc có lần ông tuyên bố: “Cả đời tôi chưa làm phó cho ai, ngoài việc làm phó cho ông Thắng”, khi công ty VPF ra đời.
Nói như vậy để thấy bóng đá quan trọng với bầu Đức như thế nào.
Vậy mà gần đây ông tuyên bố sẽ bỏ bóng đá, nếu ông Trần Anh Tú đắc cử chức phó Chủ tịch VFF dù điều đó gần như chắc chắn xảy ra. Bởi bầu Tú đang là ứng viên duy nhất cho vị trí đó.
Nếu không phải là thảm họa, cái ngày bầu Đức bỏ bóng đá chắc chắn là một chương rất buồn của bóng đá Việt Nam và tất nhiên, của chính bầu Đức. Nghe có vẻ to lớn, nhưng thực tế, bóng đá Việt Nam luôn nợ bầu Đức một lời cảm ơn. Không phải mọi chuyện ông làm hoặc nói đều đúng nhưng chắc chắn, nó có phần lớn sự tác động tích cực đến bóng đá Việt Nam. Bầu Đức là người tạo ra công thức chiến thắng với đội hình Dream Team năm 2003. Ông cũng là người tiên phong trong việc tiếp thị bóng đá bằng “liệu pháp sốc” với việc chiêu mộ Kiatisuk và sau này tạo ra lứa Công Phượng, Xuân Trường… Bầu Đức gần như là người xuất hiện đầu tiên trong các sự kiện mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam khoảng hai thập kỷ gần đây. Chỉ duy nhất HAGL là đội bóng vô địch quốc gia ngay mùa đầu tiên thăng hạng, điều không phải dễ xảy ra ở cả bóng đá thế giới. Ông là người đồng sáng lập công ty VPF, là ông bầu đầu tiên đồng ý đứng vào hàng ngũ lãnh đạo của VFF và cũng là người đòi bỏ bóng đá đầu tiên, tạo ra trào lưu “thích thì chơi, chán thì nghĩ” dù đến bây giờ, ông vẫn… chưa bỏ. Nói bầu Đức tạo ra cách mạng bóng đá thì hơi quá, nhưng phải thừa nhận, không có ông, bức tranh bóng đá Việt Nam sẽ không có gam màu sặc sỡ và thu hút mọi góc nhìn như hiện nay.
Nhưng, nếu bầu Đức bỏ bóng đá, người mất mát đầu tiên là ông. Bởi, bầu Đức đóng góp cho bóng đá bao nhiêu thì thực tế, bóng đá cũng đã đem lại cho ông rất nhiều. Hồi bầu Đức bắt đầu làm bóng đá, Hoàng Anh Gia Lai mới là một doanh nghiệp tư nhân trên giấy phép đăng ký kinh doanh, bây giờ đã là một tập đoàn đa ngành. Bầu Đức đổ hàng trăm tỷ cho Học viện HAGL Arsenal JMG nhưng chính lứa Công Phượng, Xuân Trường cũng giúp ông tiết kiệm chừng đó tiền tiếp thị, quảng cáo cho tập đoàn, thu hút hàng nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, dễ dàng tiếp cận hơn với các dự án... Với những doanh nhân lọc lõi và thành đạt, tiền chỉ từ túi này chuyển sang túi kia, chẳng mất đi đâu cả. Và cuối cùng, trong lịch sử V-League, có ai được công khai ghi dấu ấn cá nhân như bầu Đức hay không? Người ta có muốn ca tụng bầu Hiển - người đã đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho lứa U23 làm nên kỳ tích ở giải châu Á hồi tháng 1 - cũng chẳng thể nói ra, bởi ông bảo mình không liên quan nhiều đến các CLB tại V-League. Còn bầu Đức, ông luôn là “ngôi sao”. Thành ra, cần phải công bằng: cái Được trong bóng đá của bầu Đức nhiều hơn những thứ ông có thể Mất.
Nhưng nếu không còn bầu Đức nữa, chưa chắc đã là sự mất mát quá lớn. Bóng đá Việt Nam gần hai thập niên qua gần như lệ thuộc vào các ông bầu. Họ đem đến cho bóng đá chuyên nghiệp nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp nhưng bản thân cũng có lợi ích riêng và thậm chí, lấy đi không ít những điều tốt đẹp của bóng đá. Những đội bóng “thích thì chơi, chán thì nghỉ” như Vissai Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, Hòa Phát Hà Nội…. chẳng phải đều thuộc về các ông bầu hay sao? Mỗi lần họ “nghỉ chơi” là bóng đá Việt Nam lại được phen khốn đốn. Nếu không thì lại phát sinh chuyện “một ông bầu, nhiều đội bóng”, cũng khiến dư luận bất an. Chính họ, chứ không phải ai khác, đã khiến cho sự kỳ vọng của người hâm mộ vào một nền bóng đá ổn định nhiều lần hụt hẫng
“Thoát li” ra khỏi vòng kiềm tỏa của các ông bầu có thể khiến bóng đá Việt Nam lại khó khăn. Nhưng, đặt vào bối cảnh xã hội và lăng kính kinh tế hiện tại, không còn ông bầu, các CLB sẽ được tự thân vận động, thay đổi cách thức quản trị đội bóng, năng động hơn trong việc kiếm tiền, biết cách chăm sóc khán giả hơn cái thời mà các ông bầu xem đội bóng như một món đồ chơi thích ban tặng cho ai cũng được.
Bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, dù luôn có bóng dáng của những ông bầu sau lưng, nhưng về bản chất phải tồn tại theo kinh tế thị trường chứ không thể dựa hoàn toàn vào hầu bao của các ông bầu.
Bởi có một nguyên tắc bất di, bất dịch: Túi tiền của các ông bầu có thể cạn, đam mê có thể tàn lụi, nhưng bóng đá và khán giả thì luôn phải tồn tại.
Hôm qua 23/3, VFF đã gửi công văn cho các tổ chức thành viên để thông báo tiếp tục đề cử nhân sự ứng cử tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 vào tháng 4. Trước đó, tại Hội nghị ban chấp hành VFF tại Hà Nội hôm 16/3, VFF đã gút danh sách 43 ứng viên được các CLB đề cử nhưng vấp phải phản ứng từ bầu Đức.
Ông Trần Anh Tú - ứng viên duy nhất cho vị trí phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính ở nhiệm kỳ VIII - cũng đã khẳng định sẽ rút lui khỏi vị trí Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành các giải đấu.
Theo Song Việt (VnExpress.net)