Lãnh đạo VFF, VPF 'ôm' bao nhiêu chức?

21/03/2018 19:31:03

Nhân chuyện bầu Đức phản ứng ông Trần Anh Tú ôm nhiều chức lớn ở VPF nhưng vẫn đang ứng cử ghế phó chủ tịch VFF, chúng tôi xin điểm thêm 2 nhân vật cũng đang có nhiều chức vụ quan trọng ở VFF và VPF.

Câu chuyện Bầu Đức phát biểu gay gắt ông Trần Anh Tú "một mình một chợ" trong cuộc đua tranh chức Phó chủ tịch VFF khóa 8 phụ trách tài chính và vận động tài trợ không chỉ là việc bầu Đức bị Tiểu ban Nhân sự gạch tên vì cách làm bằng "miệng", mà quan trọng hơn, bầu Đức đặt vấn đề ông Tú ôm đồm quá nhiều chức – đó là bất hợp lý, chẳng lẽ Việt Nam hết người tài?

Cao trào, Bầu Đức tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng, nếu điều này vẫn tồn tại, ông sẽ bỏ bóng đá! Dù sao đó là chuyện tương lai, còn bây giờ, chuyện một người ôm đồm nhiều chức vụ thì như thế nào?

Lãnh đạo VFF, VPF 'ôm' bao nhiêu chức?
Các ảnh nhỏ (từ trái sang phải): Ông Trần Anh Tú, Trần Mạnh Hùng và Trần Quốc Tuấn

1. Điểm sơ qua, chỉ trong lĩnh vực thể thao, chưa tính đến kinh doanh, ông Tú đã giữ 8 chức vụ gồm: Chủ tịch HĐQT VPF, Tổng giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành V-League (Cúp quốc gia, Hạng Nhất quốc gia), Ủy viên thường trực VFF, Trưởng ban futsal, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam, Chủ tịch CLB Bóng rổ Hochiminh City Wings.

Ông Tú vừa mới lên giữ chức Chủ tịch HĐQT VPF, đơn vị này vướng vào vụ đơn phương hủy hợp đồng với Next Media, đối tác của VPF mà Báo Người Lao động đã lên tiếng qua hai bài: "Next Media kiện VPF" (8-3-2018) và "Nhiều câu hỏi đặt ra cho VPF nhiệm lỳ mới" (13-3-2018). Theo một nguồn tin, Vài ngày tới đây, nếu hai bên hai bên không đạt được thỏa thuận, Next Media sẽ chính thức khởi kiện VPF.

Mới đây, tại vòng hai V-League 2018, là Trưởng ban điều hành giải, có mặt trực tiếp tại trận đấu Hải Phòng – HAGL, trách nhiệm của ông Tú ở đâu khi mặt sân thi đấu quá tệ và nhiều chuyên gia, đặc biệt là cựu tuyển thủ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng,  nguyên HLV CLB Sài Gòn 2 mùa gần đây, đã liên tục phê phán chính mặt sân cỏ kém, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn trận đấu, đồng thời dẫn đến tình trạng cầu thủ hai đội bị chấn thương.

Thật là không đúng, sau khi giữ chức Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc VPF, nếu như ông Tú giữ thêm chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, thì thử hỏi, tất cả những gì liên quan đến tài chính của bóng đá Việt Nam đều do ông nắm giữ, thì sẽ khó có cơ chế kiểm soát, quản lý.

2. Nói về mặt sân thi đấu rất tệ của sân Lạch Tray (Hải Phòng), không thể không nói đến trách nhiệm của ông Trần Mạnh Hùng. Ông Hùng cũng đang giữ những chức vụ sau trong bóng đá: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thể thao Hải Phòng (quản lý CLB Hải Phòng), Phó chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng, tân Phó chủ tịch HĐQT VPF. Như vậy về mặt chủ sân Lạch Tray, ông Hùng cũng liên quan và về mặt điều hành V-League ông cũng liên quan. Và như thế, mới thêm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT VPF mà ông Hùng đã làm không tốt.

3. Đã nói về một người giữ nhiều chức vụ trong lĩnh vực bóng đá thì không thể không nói đến Trần Quốc Tuấn với hàng loạt chức vụ như sau: 7 chức vụ ở VFF, gồm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, Ủy viên thường trực VFF, Phó trưởng ban phát triển chiến lược bóng đá, Trưởng ban bóng đá chuyên nghiệp, Phó trưởng ban Tiếp thị tài trợ và tạo nguồn tài chính, Phụ trách Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, Bí thư Chi bộ VFF; 4 chức vụ ở AFF: Ủy viên ban khẩn cấp, Ủy viên ban Tài chính và Tài trợ, Ủy viên thi đấu, Trưởng ban bóng đá nữ; 2 chức vụ ở AFC: Ủy viên ban thi đấu, Ủy viên Ban chấp hành; 1 chức vụ ở FIFA: Ủy viên Ban futsal.

Oái oăm là chỉ trong tổ chức VFF, ông Tuấn vừa là cấp trên vừa là cấp dưới, đó là chưa nói ông vừa phụ trách chuyên môn lại vừa "lấn sân" qua lĩnh vực tài chính.

Nói ông Tuấn quan hệ đối ngoại giỏi, thế thì tại sao không ít lần các đội VN luôn bị trọng tài ép ở các đấu trường quốc tế? Như trong trận chung kết U23 châu Á, là ủy viên Ban thi đấu AFC, tại sao ông Tuấn không kiến nghị dời trận đấu khi thời tiết quá xấu? Tại sao có mặt tại chỗ, ông không liên lạc để bàn và hỏi ông Dương Vũ Lâm, Trưởng đoàn U23 VN, có ý kiến gì vì theo nguyên tắc, đại diện hai đội bóng phải có mặt ở sân xem xét các điều kiện thi đấu, nếu không hài lòng, vẫn có quyền đề xuất với Ban tổ chức hoãn trận đấu.

Cả ông Tuấn và ông Lâm đều là ứng viên chức danh Phó chủ tịch VFF khóa 8 phụ trách chuyên môn, nhưng vì sao, chuyện đơn giản nhất là yêu cầu BTC buộc đội Uzebekistan, đối thủ của đội U23 VN trong trận chung kết, phải thay áo thi đấu vì trùng với màu trắng của tuyết lại không làm, để rồi đến hiệp hai, đội Uzebekistan mới thay trắng thành màu xanh. Bàn thua từ quả đá phạt góc trong hiệp một của đội VN không loại trừ khả năng tầm quan sát của các cầu thủ lẫn thủ môn Tiến Dũng bị hạn chế vì trang phục thi đấu toàn trắng của các cầu thủ Uzbekistan.

Thực tế này cho thấy ba ông Trần Anh Tú, Trần Mạnh Hùng, Trần Quốc Tuấn khi kiêm nhiệm nhiều chức sẽ rất khó và thậm chí làm không hết trách nhiệm!

Pháp luật không cấm một người kiêm nhiệm nhiều chức vụ nhưng người ôm đồm nhiều chức dẫn tới độc đoán, cửa quyền, việc gì cũng phải qua tay điều hành dẫn tới cả bộ máy cái gì cũng chờ người này quyết. Chưa nói ôm đồm có những cái không lành mạnh, từ đó dễ nảy sinh ra suy nghĩ tiêu cực trong dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Với xã hội thời nay, đây là biểu hiện của một loại tham nhũng mới, tham nhũng chức vụ. Đó là thứ tham nhũng quyền lực nguy hiểm hơn mọi loại tham nhũng khác. Vì thế, cần tìm cách hạn chế nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên.

Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)

Nổi bật