Mesut Oezil sau cùng đã không thể chịu đựng thêm sự đối xử thiếu công bằng lẫn không có sự tôn trọng từ những quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) với anh. Tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ giã đội tuyển quốc gia, để lại lỗ hổng lớn về niềm tin nơi bộ ngũ lãnh đạo của ĐT Đức.
Oezil đã bị phân biệt chủng tộc như thế nào?
“Cút đi con lợn Thổ Nhĩ Kỳ Oezil”, đó là nguyên văn lời những cổ động viên quá khích của Đức ném vào Oezil sau khi ĐT Đức vượt qua Thụy Điển với tỷ số 2-1 tại vòng bảng World Cup 2018. Đó là chiến thắng duy nhất của Đức tại giải và cũng là trận duy nhất Oezil không chơi trọn vẹn 90 phút.
Những chỉ trích cay nghiệt này Oezil không hề lạ. Theo thống kê của chính phủ cũng như qua xác nhận của Cục Cảnh sát hình sự Đức (Bundeskriminalamt) thì ngày nay, rất nhiều người Đức bài xích người Hồi Giáo, đặc biệt với phụ nữ Hồi giáo vì trông họ “khác biệt” khi dùng khăn che đầu và mặt.
Oezil là người Hồi giáo và là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ (bố mẹ anh là người Thổ), việc anh bị những người Đức chỉ trích cay nghiệt không phải là điều mới mẻ gì. Song khi những chỉ trích và phân biệt này tới từ các quan chức cấp cao của DFB, thì mọi chuyện không còn đơn giản nữa.
Chủ tịch LĐBĐ Đức Reinhard Grindel yêu cầu Oezil giải thích về cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước các phương tiện truyền thông đại chúng ngay sau khi ĐT Đức bị loại ngay từ vòng bảng World Cup 2018. Cũng trong tuyên bố đó, ông Grindel gián tiếp ám chỉ Oezil có lỗi trong thất bại của ĐT Đức tại World Cup 2018.
Cần biết rằng trước đó Oezil và ông Grindel có cuộc gặp gỡ riêng để bàn về việc này. Dù cuộc gặp không có tính thiện chí cho lắm như mô tả của Oezil, song cả anh và Grindel đều đi đến quyết định sau cùng là nên tập trung cho World Cup trước.
Những người yêu bóng đá Đức đã độc ác với Oezil
Trong bức tâm thư phân trần trên mạng xã hội, Oezil khẳng định anh thất vọng vì những hành động phân biệt của Chủ tịch LĐBĐ Đức Reinhard Grindel với anh sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, song những hành động đó của Grindel không làm anh bất ngờ.
Oezil dẫn chứng, vào năm 2004 khi Grindel vẫn chỉ đang là thành viên của Quốc hội Đức, ông này đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu về tính khả thi của việc có hai quốc tịch cho người nhập cư. Grindel cũng khẳng định một cách tiêu cực rằng “văn hóa Hồi Giáo đã ăn sâu vào một số thành phố của nước Đức”.
Truyền thông Đức cũng phụ họa cho Grindel trong việc “đánh” Oezil. Ngôi sao của Arsenal thất vọng khi thừa nhận rằng: “Báo chí biến tôi trở thành kẻ thù của tuyển Đức. Họ chẳng hề chỉ trích phong độ mà cứ vin vào gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công tôi. Gốc Thổ Nhĩ Kỳ khiến tôi trở thành mục tiêu đáng giá hơn ư?”.
Ngay cả khi đội tuyển Đức vừa thất bại thảm hại tại World Cup 2018, thì việc đổ trách nhiệm lên đầu Mesut Oezil cũng là hành động không thể chấp nhận được từ các quan chức cấp cao của LĐBĐ Đức (DFB), chứ chưa nói tới việc lôi lại lùm xùm trước giải đấu của Oezil để lấy đó làm bia đỡ đạn cho phong độ yếu kém của Oezil và thành tích thảm họa của "Die Mannschaft".
Vậy mà Oezil phải hứng chịu tất cả những điều đó. Đáng bàn hơn là không một cầu thủ có gốc gác ngoài nước Đức nào khác của ĐT Đức bị chỉ trích ngoài Oezil. Mario Gomez gốc Tây Ban Nha, Jerome Boateng gốc Ghana hay Sami Khedira gốc Morocco đều không bị đặt làm tiêu điểm.
Ilkay Guendogan cũng là người xuất hiện trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nhưng chỉ một mình Oezil phải giơ đầu chịu báng cho thất bại thảm họa của Đức tại World Cup.
Nước Đức vốn luôn nhức nhối vì vấn đề dân nhập cư cùng nạn phân biệt chủng tộc cũng như đối xử. Cơn lên đồng của những người yêu bóng đá Đức sau thất bại của ĐTQG tại World Cup cần một “con tốt” chịu trách nhiệm. Và Oezil xuất hiện, hứng chịu mọi sỉ vả xấu xí nhất của nước Đức vẫn được coi là tân tiến nhất, số một châu Âu.
Cái kết đắng cho thiên tài
Giã từ đội tuyển quốc gia ở tuổi 29 vì bị phân biệt chủng tộc rõ ràng là cái kết quá đắng cho Oezil, một trong những tiền vệ tấn công hay nhất mà ĐT Đức có được trong vòng gần hai thập kỷ qua.
Khi Oezil ra mắt ĐT Đức tại giải đấu lớn đầu tiên là World Cup 2010, tiền vệ sinh năm 1988 thực sự tạo ra một cơn sốt khi ấy, bởi phong cách chơi bóng đậm chất nghệ sĩ mà cũng đầy hiệu quả. Kể từ đó cho tới kỳ World Cup thảm họa trên đất Nga, Oezil vẫn luôn là lựa chọn số một của HLV Joachim Loew ở những giải đấu lớn, mà đỉnh cao chính là chức vô địch World Cup trên đất Brazil cách đây 4 năm.
Con số thống kê nói rằng chiến thắng 2-1 trước Thụy Điển ở lượt trận thứ hai vòng bảng World Cup 2018 là lần đầu tiên trong suốt 8 năm, Oezil không được ra sân từ đầu ở các giải đấu lớn cho "Die Mannschaft".
Trong trận thua 0-2 trước Hàn Quốc ở lượt trận cuối cùng, Oezil bị chỉ trích hết lời, song những con số thống kê lại nói rằng số 10 đã chơi một trận tuyệt hay trong vai trò kiến tạo. Anh liên tục tung ra những đường chuyền dọn cỗ cho đồng đội, song hết Timo Werner đến Mats Hummels dứt điểm hỏng ăn trong những tình huống cận thành.
Những tranh cãi tương tự như thế đã luôn bủa vây xung quanh suốt sự nghiệp của Oezil. "Thiếu nhiệt tình", "vô dụng trong phòng ngự", "làm chậm nhịp độ tấn công" là những định kiến mà tiền vệ người Đức luôn phải hứng chịu. Song Oezil chưa từng phàn nàn về điều đó, hoặc đúng hơn là tiền vệ sinh năm 1988 luôn lấy những màn trình diễn trên sân cỏ để đáp trả.
Song lần này Oezil đã chọn cách, nhưng chính anh thừa nhận, là “dừng lại”. Anh không muốn đôi co thêm với những người Đức đã không tôn trọng, thậm chí phân biệt anh với thứ định kiến về chủng tộc đầy nhỏ nhen của họ.
"Khi chiến thắng tôi là người Đức. Lúc thất bại, tôi chỉ là dân nhập cư", câu nói chua chát này của Oezil còn hơn cả một cú đấm vào lòng tự tôn của nước Đức.
Người Đức sẽ phải trả giá vì những hành động đáng xấu hổ với không chỉ Oezil mà còn là tất thảy những người nhập cư hoặc gốc nhập cư trên lãnh thổ nước Đức, mà việc ĐTQG mất đi thiên tài Oezil là một trong những hệ quả đầu tiên.
Với Oezil, đây rõ là cái kết đắng cho tiền vệ thiên tài này. Song quyết định dũng cảm của Oezil rồi sẽ được ghi dấu ấn như một sự phản kháng đầy mạnh mẽ tới nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Như chính Oezil khẳng định thứ xấu xí ấy "không bao giờ nên được chấp nhận" trong môn thể thao vua.
Theo Nhật Anh (Tri Thức Trực Tuyến)