Nhưng lần này cuộc họp báo ở Vatutinki của Die Mannschaft bắt đầu trễ tới hai tiếng với HLV Joachim Loew và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) Reinhard Grindel là người chủ trì. Lời xin lỗi được đưa ra nhưng lý do cụ thể thì không có.
Cuộc họp của đội đương kim vô địch World Cup và là đội bóng số 1 trên bảng xếp hạng của FIFA dù vậy không xoay quanh việc liệu Đức có khả năng giữ cúp hay không.
Thay vào đó có một loạt câu hỏi nhằm vào bê bối của Mesut Ozil và Ilkay Gundogan mà đỉnh điểm là các cổ động viên Đức la ó và huýt sáo Gundogan trong trận giao hữu với Saudi Arabia hôm 8/6 ở Leverkusen ngay trước World Cup.
Bê bối của Ozil và Gundogan
Vụ việc xuất phát từ bức hình chụp chung của hai cầu thủ gốc Thổ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tại Anh cách đây hơn tháng. Chiếc áo của Guendogan, cầu thủ mang hai quốc tịch Thổ và Đức, tặng ông Erdoğan có dòng chữ: “Tặng tổng thống của tôi với sự trân trọng”.
Điều này ngay lập tức đã gây bão dư luận ở nước Đức, đặc biệt khi vấn đề người nhập cư và cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức vốn luôn là câu chuyện nhạy cảm. Ông Erdogan đang bị Berlin và EU chỉ trích mạnh mẽ vì quá trình đàn áp và bắt giữ hàng nghìn người sau cuộc đảo chính bất thành ở Ankarra hồi năm 2016. Hai cầu thủ bị chỉ trích vì cho rằng không đúng giá trị Đức và đã có một loạt kêu gọi loại cả hai ra khỏi đội tuyển.
Ông Brindell nói đó là sự việc đáng tiếc và hai cầu thủ không nên làm vậy. HLV Loew thì giải thích: “Cả hai đều đã đá cho đội tuyển vài năm nay và ai cũng thấy họ muốn đá cho tuyển Đức. Chúng ta chỉ nên để họ tập trung vào chuyện bóng đá”.
HLV tuyển Đức dù vậy thừa nhận việc bị huýt sáo, la ó có thể sẽ tiếp tục và có thể sẽ ảnh hưởng tới cả hai. Cả ông Loew và chủ tịch Dfb đã nói chuyện riêng với hai cầu thủ. Ozil đã được cho về nghỉ vài ngày với người thân vàchỉ trở lại tập luyện cùng đội vào sáng hôm qua, buổi tập được ông Loew khen ngợi là “ấn tượng”.
Các vấn đề cá nhân trong quá khứ đã từng khiến đội tuyển Đức suy yếu và thất bại tại các World Cup. Năm 1994, nước Đức cũng tới Mỹ để bảo vệ cúp vàng họ từng có khi đánh bại Argentina của Maradona năm 1990 tại Italy. Nhưng rồi vụ scandal khiến Stefan Effenberg bị đuổi về (giơ ngón tay thối với khán giả khi bị thay ra) cùng mâu thuẫn giữa Jurgen Klinsmann với Lothar Matthaus đã khiến Đức thi đấu nhợt nhạt và dừng bước ở tứ kết trước Bulgaria của Hristo Stoichkov.
Cựu tiền đạo Oliver Bierhoff thừa nhận vụ khủng hoảng quanh hai cầu thủ gốc Thổ này có thể ảnh hưởng tới nội bộ tuyển Đức. Giống Bierhoff, ông Loew cũng kêu gọi dư luận hãy để các cầu thủ tập trung bóng đá thay vì bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác.
Mong manh chuyển giao thế hệ
Và vấn đề của tuyển Đức không chỉ gói gọn trong hai cầu thủ gốc Thổ. Die Mannschaft trong mấy trận giao hữu trước giải thể hiện rõ sự uể oải và không ăn khớp. HLV Loew thừa nhận tuyển Đức chưa có được sự cơ động, tốc độ và mạnh mẽ như thường có dù rằng ông nói đó là vấn đề chung của các đội tuyển quốc gia khi tập hợp lại.
“Rất thách thức cho các cầu thủ sau mùa giải kéo dài và rất vất vả. Và ngay sau đó thì họ phải dự giải đấu lớn này”, ông Loew nói.
“Chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào các tình huống bóng chết và chiến thuật. Chúng tôi sẽ phải tập rất nhiều.”
Đội tuyển Đức cũng đang trong quá trình chuyển giao và họ thiếu vắng những dấu ấn thủ lĩnh kiểu như Philip Lahm hay Bastian Schweinsteiger mấy năm trước. Lá chắn thép Manuel Neuer của tuyển Đức cũng chỉ mới trở lại sau hơn 8 tháng chấn thương.
“Chúng tôi vẫn lạc quan và sẽ chuẩn bị sẵn sàng”, ông Loew nói tại cuộc họp báo.
Khi được hỏi về đối thủ tiếp theo ở vòng sau liệu ông muốn chọn Brazil hay Serbia thì ông Loew nói ông sẽ tập trung vào từng trận mà “không muốn nghĩ trước quá dài làm gì”.
HLV tuyển Đức thừa nhận Brazil đang có phong độ rất tốt trong mấy tháng gần đây và Serbia cũng đang có một lứa đồng đều trên mọi tuyến. Theo ông thì việc vào vòng 1/16 thì không còn quan trọng đối thủ là ai nữa mà chỉ cần chuẩn bị tốt nhất cho từng trận.
Cỗ xe tăng sẽ bắt đầu giải đấu bằng trận đấu trước Mexico vào ngày 17/6 tới. Các trận gặp Thụy Điển và Hàn Quốc lần lượt diễn ra tiếp vào các ngày 23 và 27/6.
Buổi họp báo của tuyển Đức được kết thúc nhẹ nhàng bằng việc kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của cây viết thể thao huyền thoại Hartmut Scherzer, người được coi như trưởng lão của giới nhà báo thể thao Đức với 15 lần dự World Cup.
“World Cup đầu tiên của tôi diễn ra đúng vào năm 1962 khi Brazil bảo vệ thành công chức vô địch. Tôi chúc tuyển Đức làm được điều này”, ông Scherzer nói khi nhận được lời chúc mừng.
Lịch sử chưa bị phá đổ kể từ 1962. Với đội hình có nhiều mong manh như hiện tại, Die Mannschaft có thực hiện được chiến tích này?
Theo Thanh Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)