Cao thủ võ Việt tung cú đấm lật quai hàm đối thủ ở màn tỉ thí gây chấn động khắp miền Nam

16/09/2020 20:35:50

Lợi dụng tình huống mà võ sĩ Chuột khinh suất, Đông Phương Sóc tung ra một cú đấm móc “sấm sét” làm lật quai hàm của địch thủ. Trọng tài đếm 10 tiếng mà võ sĩ Chuột vẫn bất tỉnh...

Trong giai đoạn từ năm 1933 đến 1943, ở làng võ miền Nam nổi lên một cao thủ lừng danh, từng bất khả chiến bại trên sàn đấu tại Sài Gòn và còn tung hoành trên khắp võ đài Đông Dương. Người này là cao thủ Đông Phương Sóc với những cú đánh đầy hủy diệt.

NỔI DANH TỪ MỘT TRẬN ĐẤU "BẤT ĐẮC DĨ"

Đông Phương Sóc tên thật là Huỳnh Văn Sóc, sinh năm 1918 tại Lái Thiêu (tỉnh Thủ Dầu Một, nay thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ông vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, cha làm thợ mộc, mẹ buôn bán tảo tần ở chợ Lái Thiêu.

Từ thuở thiếu thời, Huỳnh Văn Sóc tuy có vóc dáng nhỏ con hơn những bạn bè đồng trang lứa nhưng lại có sức khỏe hơn người. Dù là chàng trai mới lớn nhưng Huỳnh Văn Sóc có khả năng khuân vác mía cho lò đường với số lượng gấp đôi so với một tay cửu vạn chuyên nghiệp.

Vốn có niềm say mê với võ thuật từ nhỏ nhưng Đông Phương Sóc chưa từng chính thức thọ giáo một vị thầy võ nào ở Lái Thiêu. Ông chỉ "học lỏm" vài đường quyền, ngọn cước của các thầy võ nổi tiếng gần xa trong những đêm trời tối.

Thế nhưng, nhờ sự hăng say luyện tập, Huỳnh Văn Sóc (sau này mới lấy biệt danh là Đông Phương Sóc) lại bất ngờ nổi danh, trở thành một hiện tượng hiếm có trong làng võ ở Lái Thiêu và sau đó là khắp miền Nam.

Cao thủ võ Việt tung cú đấm lật quai hàm đối thủ ở màn tỉ thí gây chấn động khắp miền Nam
(Ảnh minh họa)

Vào năm 1933, Đông Phương Sóc bất ngờ trở thành một võ sĩ sau khi bước chân lên võ đài trong một tình huống cực kỳ hi hữu. Năm đó, một võ đài thi đấu võ tự do Việt Nam được tổ chức ở Lái Thiêu. Theo sắp xếp của ban tổ chức, võ sĩ có cái tên rất "dị" - Chuột vốn là đương kim vô địch võ tự do Việt Nam ở Lái Thiêu, sẽ tỉ thí với một võ sĩ tên tuổi của Sài Gòn trong đêm then chốt.

Tất nhiên, trận đấu này có sức hút rất lớn và có hàng ngàn khán giả kéo đến vây kín quanh sàn đấu ở Lái Thiêu. Thế nhưng, đúng vào giờ chót, không rõ vì lý do gì mà võ sĩ Sài Gòn lại không tới võ đài. Trên sàn đấu, chỉ có một mình võ sĩ Chuột bước lên vẫy tay chào khán giả. Lúc này, hàng ngàn khán giả ở Lái Thiêu bắt đầu la ó inh ỏi để phản đối ban tổ chức kỳ võ đài.

Giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", một số người vốn là bạn bè của Đông Phương Sóc bất ngờ khuyên Sóc xin ban tổ chức tỉ thí với võ sĩ Chuột. Sóc lúc này chưa tự tin lắm vì ông chưa từng đấu đài, trong khi võ sĩ Chuột đã gây dựng tên tuổi từ cách đó hàng chục năm.

Thế nhưng, nhờ được mọi người khích lệ, Sóc quyết định tới gặp ban tổ chức để xin được giao đấu với võ sĩ Chuột. Ban tổ chức đành chấp nhận dù không hề đánh giá cao Sóc mà chỉ nghĩ rằng đây cũng là phương án "chữa cháy" để khỏa lấp sự thiếu sót của đêm đấu then chốt.

Từ vai trò là "kẻ đóng thế bất đắc dĩ", rốt cục Đông Phương Sóc đã khiến tất cả khán giả ở Lái Thiêu phải ngỡ ngàng. Bởi đến màn tỉ thí với đối thủ, Đông Phương Sóc thi đấu ngang ngửa, thậm chí còn trên cơ so với đối thủ vốn quá dày dạn kinh nghiệm.

Bằng thân pháp nhanh nhẹn, những cú đấm, ngọn đá mạnh như vũ bão, Sóc khiến nhà vô địch Lái Thiêu phải chống trả vô cùng khó khăn. Thế rồi, lợi dụng một tình huống mà võ sĩ Chuột tỏ ra khinh suất, sơ hở trong phòng thủ, Đông Phương Sóc rất nhanh tung ra một cú đấm móc "sấm sét" làm lật quai hàm của địch thủ.

Trọng tài đếm tới 10 tiếng, võ sĩ Chuột vẫn bất tỉnh trên sàn đấu. Trọng tài liền giơ tay Đông Phương Sóc để tuyên bố chiến thắng knock-out trong những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Bên dưới khán đài, nhiều người "mắt tròn mắt dẹt" không hiểu điều gì vừa xảy ra. Từ trận đấu này, biệt danh Đông Phương Sóc bắt đầu nổi như cồn ở làng võ miền Nam.

CAO THỦ KHUYNH ĐẢO VÕ ĐÀI ĐÔNG DƯƠNG VÀ TRẬN TỈ THÍ CUỐI CÙNG VỚI "VÕ VƯƠNG" LÀNG QUYỀN ANH VIỆT NAM

Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, làng võ miền Nam nổi lên rất nhiều hảo thủ lừng danh. Từ Sáu Cường, Thái Học Kỳ ở Cần Thơ, Lê Hữu Vĩnh, Dương Thuận Hòa ở Rạch Giá (Kiên Giang), Lữ Hồng Cơ ở Cà Mau, Tám Mẹo ở Mỹ Tho… Ngoại trừ những võ sĩ nặng cân hơn cả chục ký như Lê Hữu Vĩnh hay Sáu Cường thì hầu như các võ sĩ khác xấp xỉ hạng cân với mình, Đông Phương Sóc đều cho tất cả nếm mùi thất bại.

Thời gian này, Đông Phượng Sóc đã rời Lái Thiêu để chuyển lên cư ngụ tại Sài Gòn, vốn là nơi mà các kỳ võ đài được tổ chức thường xuyên hơn. Vào thập niên 1930, Đông Phương Sóc thi đấu rất nhiều trận với kết quả bất khả chiến bại từ khắp miền Nam ra tới miền Trung rồi miền Bắc. Sau khi trở thành một tay đấm khét tiếng ở trong nước, ông còn sang Lào, Cao Miên để thượng đài và giành chiến tích toàn thắng.

Chỉ sau vài năm, Đông Phương Sóc thậm chí còn bị "ế độ", không tìm được đối thủ bởi không có võ sĩ nào chịu thi đấu võ tự do với ông. Bất đắc dĩ, Đông Phương Sóc phải chuyển qua đấu quyền Anh vốn không phải là môn sở trường.

Thế nhưng, Đông Phương Sóc tiếp tục gây bất ngờ khi đánh bại nhiều võ sĩ quyền Anh tên tuổi. Năm 1941, ông thắng oanh liệt trước những võ sĩ người Pháp để đoạt chức vô địch quyền Anh hạng ruồi toàn miền Nam.

Cũng trong năm 1941, ông xuất thần thắng knock-out võ sĩ người Pháp Wulliaume dù đối thủ nặng hơn một hạng cân. Đến năm 1942, Đông Phương Sóc đánh bại Vũ Ổn – nhà vô địch quyền Anh hạng gà của miền Bắc (cũng nặng hơn Sóc một hạng cân).

Cao thủ võ Việt tung cú đấm lật quai hàm đối thủ ở màn tỉ thí gây chấn động khắp miền Nam - 1
(Ảnh minh họa)

Sau một thời gian, Đông Phương Sóc tung hoành khắp nơi, trở thành cái tên không có đối thủ trên các sàn đấu quyền Anh. Mãi tới năm 1943 khi tham dự giải quyền Anh vô địch toàn Đông Dương, ông mới nếm mùi thất bại khi bị trọng tài xử ép trong trận đấu gặp nhà vô địch miền Trung là Vĩnh Tiên.

Đến cuối năm 1943, Đông Phương Sóc có trận tỉ thí được tất cả chờ đợi gặp huyền thoại làng quyền Anh của miền Nam – Minh Cảnh. Trận đấu này được tổ chức ở võ đài Đại Thế giới (này là nhà văn hóa quận 5, TP.HCM). Đúng như sự kỳ vọng của người hâm mộ, Đông Phương Sóc và Minh Cảnh đã cống hiến một trận đấu cực kỳ mãn với thế trận ăn miếng trả miếng. Thế nhưng, các trọng tài cuối cùng đã tuyên bố chiến thắng bằng tính điểm cho Minh Cảnh.

Sau trận đấu với huyền thoại Minh Cảnh, Đông Phương Sóc bất ngờ giải nghệ. Từ đó, ông gần như không còn lui tới các võ đài. Nhiều người nói rằng Đông Phương Sóc biết dừng lại đúng lúc bởi màn tỉ thí đầy cống hiến với huyền thoại Minh Cảnh xứng đáng là cái kết đẹp để Đông Phương Sóc khép lại nghiệp võ đầy vinh quang của mình.

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)

 

Nổi bật