Cao thủ võ Việt có thể chạy trên mặt nước và tuyệt kỹ dễ gây chết người bị thất truyền

08/09/2020 12:30:00

Tuyệt kỹ song thiết của võ sư Lê Văn Kiển, Chưởng môn phái Nam Tông có thể dễ dàng đoạt mạng đối thủ. Nhưng cũng vì độ sát thương quá cao mà về sau tuyệt kỹ này đã bị thất truyền.

Trước năm 1975, làng võ miền Nam có một võ sư được coi là bậc thầy về khí công, tinh thông nhiều môn võ khác nhau và cũng là Chưởng môn sáng lập ra phái Nam Tông tại Sài Gòn. Ông là võ sư Lê Văn Kiển (1914-2003).

BẬC THẦY THỦY THƯỢNG PHIÊU VÀ TUYỆT KỸ SONG THIẾT TRỨ DANH

Khi đề cập tới võ sư Lê Văn Kiển, tiến sĩ - nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) cho biết:

"Võ sư Lê Văn Kiển (còn có biệt danh Tám Kiển) sinh ra tại Sóc Trăng trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Năm lên 12 tuổi, ông được thân phụ là võ sư Lê Văn Biểu dạy bắn cung tên và quyền cước. Sau đó, ông tìm đến vùng Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang ngày nay) để học môn khí công Thủy Thượng Phiêu từ một bậc thiền sư ẩn danh.

Tôi cũng là người từng học võ với võ sư Lê Văn Kiển. Trước kia, tôi có nghe võ sư Lê Văn Kiển nói về Thủy Thượng Phiêu mà ông đã học nhưng chưa thấy ông thực hiện lần nào.

Theo mô tả về Thủy Thượng Phiêu thì đó là cách vận khí, khinh thân để chạy trên mặt nước. Lúc đầu, ông tập chạy trên thân cây chuối kết lại thành bè, cây này cách cây kia 20cm và luyện ở những khúc sông hẹp. Sau 6 tháng, ông thay những cây chuối bằng những khúc tre dài, cũng kết lại thành bè và tập ở những đoạn sông rộng hơn. Ông cứ tập như thế suốt mấy năm liền.

Cao thủ võ Việt có thể chạy trên mặt nước và tuyệt kỹ dễ gây chết người bị thất truyền
Võ sư Lê Văn Kiển

Theo tôi được biết thì võ sư Lê Văn Kiển học võ từ nhiều danh sư, trong đó có võ sư Lai Quý của môn phái Bạch Hạc Quyền, một võ phái xuất phát từ Trung Quốc. Đây là môn võ mà ông học từ rất sớm.

Tương truyền, tổ sư của môn phái này là nữ giới – Ngũ Mai Lão Ni, sống trên một ngọn núi hùng vĩ, quanh năm tuyết phủ. Một hôm, bà tình cờ chứng kiến trận chiến giữa cáo và chim hạc. Tưởng chim hạc sẽ bị cáo vồ chết, ai ngờ chim hạc uyển chuyển tránh những cú lao người, mổ những cú trời giáng khiến kết cục cáo kiệt sức mà chết vì mất máu.

Học theo chim hạc, bà sáng tạo nên những quyền cước theo nguyên tắc mềm dẻo, uyển chuyển, lấy âm nhu thắng dương cương, vận sức địch đánh địch. Các thế hệ đệ tử sau này tiếp tục vận dụng, sáng tạo thêm nhiều tuyệt chiêu, binh khí để sử dụng khi giao chiến".

Từ thập niên 1940 khi Nam Bộ nổi dậy chống lại thực dân Pháp, võ sư Tám Kiển đã xung phong huấn luyện võ thuật cho lực lượng thanh niên cứu quốc.

Kỹ thuật sử dụng binh khí song thiết (loại binh khí khá giống 2 đoạn xích nhưng có gắn lưỡi sắc nhọn gây sát thương), mã tấu, côn cùng cách đánh cận chiến mà võ sư Tám Kiển truyền dạy cho một số du kích tự vệ ở chiến khu Trà Lồng, Trà Cú, Mỹ Phước... đã một thời là nỗi kinh hoàng với lính lê dương Pháp.

Thế nhưng riêng với tuyệt kỹ song thiết, do có độ sát thương cao, có thể dễ dàng làm đối thủ mất mạng nên võ sư Tám Kiển chỉ truyền dạy cho số ít cao đồ, trong số đó nổi bật 3 đại đệ tử sử dụng song thiết đạt đến mức thượng thừa.

"Những năm 1960 - 1970, giới võ lâm ở Sài Gòn đã có nhiều lời đồn đại về tuyệt kỹ song thiết của môn phái Nam Tông. Đây là một trong những tuyệt kỹ nổi bật của môn phái do võ sư Lê Văn Kiển truyền dạy từ cuối những năm 1940.

Tuyệt kỹ song thiết được mô phỏng theo cách chiến đấu của loài chim hạc này không chỉ đáng sợ vì tính sát thương chết người của nó, mà còn bí ẩn hơn khi chỉ có vài đại đồ đệ của môn phái trong hàng vạn môn sinh mới nắm được.

Vì đặc điểm lợi hại cứ sử dụng là cầm chắc gây thương tích cho đối thủ, tuyệt kỹ này gần như không được truyền dạy cho các thế hệ võ sinh sau này, và đến nay gần như đã thất truyền" – nhà nghiên cứu Hồ Tường nói về tuyệt kỹ song thiết của võ sư Lê Văn Kiển.

Cao thủ võ Việt có thể chạy trên mặt nước và tuyệt kỹ dễ gây chết người bị thất truyền - 1

SÁNG LẬP MÔN PHÁI NAM TÔNG, TỪNG CẤM ĐỆ TỬ THƯỢNG ĐÀI

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì võ sư Lê Văn Kiển luôn có một tôn chỉ đó là "không thu học phí môn sinh, dạy và học võ với mục đích dân khỏe, nước cường".

Một điều đặc biệt khác ở võ sư Tám Kiển đó là ông từng nghiêm cấm môn đồ thượng đài, bởi theo ông thì "thắng bại hơn thua trên sàn đấu chỉ chuốc lấy oán thù. Học võ phải trên tinh thần rèn luyện sức khỏe và tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ".

"Sau khi thành thạo và tinh thông Bạch Hạc Quyền, võ sư Tám Kiển vẫn không ngừng mong muốn học hỏi thêm nhiều môn phái khác nhau. Bôn ba khắp nơi, ông được thọ giáo Thiếu Lâm Nam Phái của bậc cao thủ Lưu Phú, cũng là một võ sư người Hoa. Với những tuyệt kỹ võ thuật được học, đặc biệt là hấp thụ tinh hoa của nền võ học Bạch Hạc chính tông, năm 1950, võ sư Tám Kiển đã chính thức sáng lập môn phái Nam Tông tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trước đó, từ năm 1948, ông Lê Văn Kiển lập võ đường Âm Dương tại Sài Gòn, nhưng đến năm 1957 thì đổi thành võ đường Nam Tông. Theo võ sư Tám Kiển từng nói thì Nam Tông là môn phái võ thuật thực hành theo nguyên lý âm - dương nên chữ Nam Tông ở đây vừa mang vết tích của nhà Phật (võ phục màu nâu), vừa là biểu tượng của Thiếu Lâm Nam phái và Bạch Hạc phái".

Cao thủ võ Việt có thể chạy trên mặt nước và tuyệt kỹ dễ gây chết người bị thất truyền - 2
Võ sư Lê văn Kiển là người ngồi giữa ở hàng đầu.

Nam Tông là võ phái đầu tiên ở miền Nam dạy binh khí cho môn sinh, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu niên luyện tập. Năm 1969, võ sư Lê Văn Kiển chính là người từng vận động thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam. Ông từng được giới võ lâm tín nhiệm bầu làm chủ tịch hai nhiệm kỳ của tổ chức này.

Võ sư Lê Văn Kiển là người đã sáng tác bài quyền Lão Hổ Thượng Sơn, là bài võ rất nổi tiếng đang phổ biến trong Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Trước 1975, bài quyền Thập Bát Liên Châu phổ biến trong Tổng Hội Võ Học cũng là của võ sư Lê Văn Kiển sáng tác.

Ông cũng xuất bản một số sách võ như Lão Hổ Thượng Sơn quyền pháp, Thập Bát Liên Châu quyền pháp. Ngoài binh khí song thiết, võ phái Nam Tông còn nổi danh với các loại hình binh khí khác như: Ngũ mã nhập thành côn, Lê Hoa thương, Ghế đẩu Thiết khúc, Âm dương kiếm pháp…

"Rất nhiều tuyệt kỹ của môn phái Nam Tông vẫn đang được những đệ tử thầy Tám Kiển lưu truyền cho những thế hệ trẻ hôm nay. Sau năm 1975, võ sư Tám Kiển mở lớp dạy tại nhà riêng và đứng lớp tại Trường Cao đẳng Thể dục TW II. Sau một tai nạn giao thông, võ sư Lê Văn Kiển qua đời vào năm 2003, hưởng thọ 90 tuổi.

Hiện nay, có một hậu duệ của võ sư Lê văn Kiển là võ sư Quan Vân Triều dạy Thiếu Lâm Nam Tông tại một nhà văn hóa ở Q10 (TP.HCM) – nhà nghiên cứu Hồ Tường cho biết.

Cao thủ võ Việt có thể chạy trên mặt nước và tuyệt kỹ dễ gây chết người bị thất truyền - 3
Võ sư Quan Vân Triều - một đệ tử của võ sư Lê Văn Kiển.

-Bài viết được ghi theo lời kể của tiến sĩ - võ sư Hồ Tường (Chưởng môn võ phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà), chủ nhiệm lớp Võ Lâm ở Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM)

-Ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)

 

Nổi bật