Trước năm 1975, làng võ miền Nam tồn tại nhiều tuyệt kỹ thuộc vào loại "độc, dị" của một số nhân vật nổi tiếng. Trong đó, tuyệt kỹ độc đáo bậc nhất phải kể tới thuật điểm huyệt của đại lão võ sư, thiền sư với thần thái phi phàm, Mai Văn Phát (1922-1997).
Thần thái dũng mãnh, phi phàm của đại lão võ sư Mai Văn Phát |
CẬU BÉ YẾU ỚT VÀ CHẶNG ĐƯỜNG TẦM SƯ HỌC ĐẠO
Khi kể về đại lão võ sư – thiền sư Mai Văn Phát (nhiều người gọi ông là đại sư), nhà nghiên cứu Hồ Tường nói với phóng viên: "Hiện nay, một số người cho rằng võ sư Mai Văn Phát sinh năm 1917 nhưng lúc sinh thời, chính ông ấy từng nói với tôi là ông sinh năm 1922 tại xã Thới Đông, huyện Ô Môn, Cần Thơ trong một gia đình nông dân.
Thuở nhỏ, ông là một đứa trẻ ốm yếu, thường hay bệnh tật. Do thể trạng yếu đuối như vậy nên khoảng năm 10 tuổi, võ sư Mai Văn Phát được gia đình đưa lên Hải Sơn Tự ở núi Thất Sơn (Châu Đốc - An Giang) theo hòa thượng Thích Thiện Hoa tầm sư học đạo.
Cần nói thêm rằng hòa thượng Thích Thiện Hoa nguyên là thủ hạ của Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng cầm đầu nghĩa quân đốt cháy tàu Esperanto của thực dân Pháp tại vàm Nhật Tảo (Bến Lức, long An). Khởi nghĩa thất bại, người cận tướng của Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp truy lùng, phải lánh nạn tại Hải Sơn Tự, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa.
Chốn thiền môn ở Hải Sơn Tự tại núi Thất Sơn không chỉ là chỗ người nghĩa quân dung thân, ông còn dùng sân chùa đêm đêm bí mật rèn luyện võ nghệ cho thanh niên trai tráng trong làng dưới chân núi. Nơi cửa chùa, ngoài Phật pháp, cậu bé Phát còn được sư phụ truyền dạy võ công.
Sau 14 năm dưới sự chỉ dạy của hòa thượng Thích Thiện Hoa, cậu bé Mai Văn Phát gầy gò bệnh tật năm nào giờ đã trở nên rắn rỏi, săn chắc, tinh thông quyền cước, thập bát ban binh khí, khí công, khinh công, y thuật và đặc biệt nhất chính là môn điểm huyệt".
Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì năm Mai Văn Phát 24 tuổi, sư phụ Thích Thiện Hoa viên tịch. Sau đó, chàng trai trẻ Mai Văn Phát mới xuống núi đem sở học mà thầy đã chân truyền ra giúp đời. Năm đó, Mai Văn Phát về quê nhà Cần Thơ, đêm đêm dạy võ cho trai tráng trong thôn.
Một hôm, ông may mắn được võ sư Hia Thêm (còn gọi là Chệt Thêm, Lào Thêm) - một bậc cao thủ người Hẹ (Trung Quốc) ẩn tích tại núi Bà Đen (Tây Ninh) tình cờ hành hiệp ngang qua sân luyện võ.
Thấy Mai Văn Phát cốt cách tinh anh, tác phong quân tử nên ông đem lòng yêu mến và nhận làm nghĩa tử, sau đó chân truyền các tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hạc và Thiếu Lâm Chu Gia (võ Hẹ) cho Mai Văn Phát.
TUYỆT KỸ ĐIỂM HUYỆT VÀ CHẶNG ĐƯỜNG "XƯNG BÁ" TỪ KHU BÙN LẦY NƯỚC ĐỌNG Ở SÀI GÒN
Nhà nghiên cứu Hồ Tường cho biết: "Thiền sư Mai Văn Phát có nhiều tuyệt chiêu, trong đó nổi bật nhất phải kể tới Thập thế điểm huyệt mật truyền; tuyệt kỹ Hầu xiềng (vừa đánh ngã vừa điểm luôn huyệt đối phương). Đây đều là những tuyệt kỹ mà ông được chân truyền từ hòa thượng Thích Thiện Hoa khi còn ở trên Hải Sơn Tự tại núi Thất Sơn.
Để luyện thành thục hai tuyệt kỹ về điểm huyệt, võ sư Mai Văn Phát không chỉ giỏi nội công mà ông còn phải tinh thông về y thuật. Có lần, ông đã khiến đối thủ tê bại, không thể cử động chân tay chỉ bằng một cú điểm huyệt. Thực tế, võ sư Mai Văn Phát luyện điểm huyệt trong nhiều năm nhưng hiếm khi sử dụng và việc ông luyện tập theo cách nào đến nay vẫn còn là ẩn số.
Ngoài Thập thế điểm huyệt mật truyền và Hầu xiềng thì võ sư Mai Văn Phát còn có tuyệt kỹ Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực (thế của con cọp trắng vừa chụp siết yết hầu vừa chụp siết hạ bộ đối phương, đối phương sẽ chết ngay nếu ta không kịp buông tay ra), Phương dực đăng sơn đại bàng (dùng chỏ đánh từ tam tinh xuống yết hầu đối phương), Phi ngưu trá hình (đối phương nhập nội, ta phóng đến dùng gối chỏ tấp ngay vào chấn thủy đối phương)...
Ngoài ra, ông còn có các bài quyền và bài binh khí nổi tiếng như: La Hầu quyền, Hắc Long đao, Song đao, Độc kiếm, Song tô lão hổ...".
Năm 1955, võ sư Mai Văn Phát rời Ô Môn lên Sài Gòn sinh sống, vừa đi làm vừa dạy võ tại nhà, đồng thời nghiên cứu, hệ thống hóa tinh hoa võ thuật từ hai vị ân sư, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao.
Năm 1963, nhằm thu hút thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, võ sư Mai Văn Phát quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp danh Thích Thiện Tánh với ước mong dùng việc dạy võ để giáo huấn thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức làm người và khả năng tự vệ hữu hiệu.
Năm 1964, ông sáng lập võ đường Trung Sơn, sau đổi thành môn phái Thiếu Lâm Nguyên thủy Mật truyền, rồi thành Trung Sơn Võ Đạo. Võ đường Trung Sơn Võ Đạo đặt tại Long Hoa Tự (số 53, đường Trần Khánh Dư, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) cũng là nơi thượng tọa Thích Thiện Tánh trụ trì. Thời gian này, ngoài dạy võ, thiền sư còn chữa trị các bệnh khớp xương và thần kinh tọa.
Đáng nói, khu Xóm Chùa ở miệt Tân Định, nơi Long Hoa Tự tọa lạc, vốn là vùng bùn lầy nước đọng, tập trung nhiều tệ nạn xã hội như cướp giật, côn đồ, gái làng chơi… Đây chính là địa bàn hoạt động của những tay du côn nổi tiếng một thời như Cà Na – bạn của Chà Và Hương, một tay giang hồ của khu Cầu Sơn – Hàng Sanh ở Gia Định.
Thế nhưng, chính tài năng và đức độ của thiền sư Thích Thiện Tánh đã giúp không ít người hoàn lương, trở thành đệ tử của ông. Các học viên của võ đường Trung Sơn cũng không bị bất cứ ai gây cản trở khi tập luyện ở đây, nhờ vào cái uy của sư phụ Thích Thiện Tánh.
Võ đường Trung Sơn càng ngày càng nổi danh trong giới võ lâm và đào tạo một số nam nữ võ sĩ thượng đài. Nam võ sĩ lấy biệt danh mở đầu bằng chữ "Trung", còn nữ võ sĩ lấy biệt danh mở đầu bằng chữ "Sơn". Một nam võ sĩ của võ đường Trung Sơn là Trung Minh Nên, vốn là tu sĩ Phật giáo, nhưng đã từng đoạt huy chương trong giải vô địch đấu quyền tự do của võ Việt Nam năm 1974.
Năm 1969, cùng với các bằng hữu võ lâm, võ sư Mai Văn Phát thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam. Ông được mọi người tín nhiệm bầu giữ chức phó chủ tịch (nhiệm kỳ 1969 - 1971, 1973 - 1975) và chủ tịch (1971 - 1973).
Là một vị thiền sư với thần thái phi phàm, tóc búi cao, râu bạc dài, đôi mắt sáng quắc tinh anh trong bộ cà sa vàng mượt, tiếng nói luôn vang to sang sảng, tác phong thư thái, tay lần chuỗi hạt, võ sư Mai Văn Phát luôn chiếm được tình cảm của mọi người trong giới võ lâm.
"Sau 1975, đại sư Mai Văn Phát tham gia tổ chức Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, được cử giữ chức trưởng ban cố vấn. Tạp chí chuyên về võ thuật của Pháp Karate Bushido (tháng 6-1995) đã đăng bài viết về đại lão võ sư Mai Văn Phát. Tác giả Phan Châu Toàn (một võ sư Việt kiều) đã gọi đại lão võ sư Mai Văn Phát là "vị thầy tu giỏi võ, một huyền thoại sống".
Ngày 8/12/1997, đại lão võ sư Mai Văn Phát viên tịch sau một cơn bạo bệnh, thọ 75 tuổi, để lại môn phái Trung Sơn Võ Đạo đã tồn tại đến nay gần một nửa thế kỷ, với nhiều điểm dạy cả ba miền Bắc, Trung, Nam với số người tập lên đến hàng vạn" – võ sư Hồ Tường cho biết.
Đại lão võ sư Mai Văn Phát biểu diễn đại đao năm 1997 |
Bài viết được ghi theo lời kể của Tiến sĩ – võ sư Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà), chủ nhiệm võ đường ở Nhà văn hóa Thanh niên, số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM.
Ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)