Bị ép ký sinh tử trạng, cao tăng Thiếu Lâm đấm một cú làm đối thủ chết ngay tại chỗ

17/01/2021 12:30:00

Chính hòa thượng Thích Đức Căn cũng không thể nào ngờ rằng cú đấm mà ông xuất chiêu lại ngay tức khắc lấy đi mạng sống của đối thủ.

Website 360kuai.com của Trung Quốc từng dành bài viết nói về một huyền thoại võ thuật có thật với tiêu đề: "Cao tăng Thiếu Lâm mạnh nhất trong lịch sử thời cận đại". Người này là Thích Đức Căn (1914-1970), vị cao thủ từng bất đắc dĩ phải ký sinh tử trạng để giao đấu rồi lỡ tay đánh chết đối thủ chỉ với đúng một đòn.

LỠ TAY ĐẤM MỘT CÚ LÀM ĐỐI THỦ MẤT MẠNG

Giới võ lâm Trung Quốc lan truyền rất nhiều giai thoại xung quanh cuộc đời và nghiệp võ của huyền thoại Thích Đức Căn. Nổi tiếng nhất là câu chuyện ông từng bất đắc dĩ ký giấy sinh tử trạng, sau đó trở thành kẻ ngộ sát và đây cũng là sự kiện gây ra nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của vị cao tăng này.

Bị ép ký sinh tử trạng, cao tăng Thiếu Lâm đấm một cú làm đối thủ chết ngay tại chỗ
Chân dung võ sư - hòa thượng Thích Đức Căn.

Theo Baidu thì vào năm tròn 20 tuổi (1934), Thích Đức Căn với công phu thượng thừa đã đi từ Hà Nam đến Tây An cùng với một số đồng môn để quáng bá võ công Thiếu Lâm. Thế nhưng, ở Tây An, có một võ sĩ trẻ với bản tính ngông cuồng đã lập hẳn một võ đài để thách thức tất cả các cao thủ Thiếu Lâm. Võ sĩ này cho treo những tấm biển gỗ với nội dung sỉ nhục môn phái Thiếu Lâm.

Chứng kiến môn phái bị sỉ nhục, Thích Đức Căn không thể ngồi yên. Ông bước lên võ đài để thuyết phục đối thủ hãy dừng lại và dỡ đi những tấm biển gỗ. Thay vì nghe lời, võ sĩ được mệnh danh "đệ nhất Tây An" lại tỏ ra vô cùng ngạo mạn. Hắn thách thức tất cả các cao tăng Thiếu Lâm rồi tuyên bố sẽ cho tất cả đối thủ phải trải qua thất bại nhục nhã.

Thấy đối thủ quá kiêu ngạo, Thích Đức Căn ngỏ ý muốn được giao đấu, để xem công phu của ai cao hơn. Võ sĩ vùng Tây An đồng ý, nhưng bắt Thích Đức Căn phải ký vào một tờ giấy sinh tử trạng. Võ sĩ này nói rằng "quyền cước không có mắt" và đã lên võ đài thì phải đánh một mất một còn, nếu xảy ra bất trắc thì cả hai bên đều không được phép kiện lên quan phủ.

Lúc đó, Thích Đức Căn tuy mới 20 tuổi nhưng đã khổ luyện ở Thiếu Lâm Tự hơn mười năm. Trong khi đó, đối thủ cũng là một võ sĩ lừng danh, nổi tiếng là người có "cú đá tử thần". Sau khi Thích Đức Căn ký vào giấy sinh tử trạng, võ sĩ người Tây An nóng lòng muốn đánh gục đối thủ phái Thiếu Lâm chỉ bằng một cú.

Khi lên đài giao đấu, võ sĩ người Tây An ra đòn tới tấp còn Thích Đức Căn lại tỏ ra bị mất tập trung bởi ông chưa bao giờ tham gia cuộc chiến sinh tử như vậy. Thích Đức Căn chỉ biết tránh né và thoái lui trước những ngọn cước sấm sét của đối thủ.

Bất chợt, chỉ trong tích tắc, Thích Đức Căn sau khi né được cú đá của đối phương đã lách người nhập nội. Theo bản năng, ông tung đường quyền trúng vào vùng chấn thủy của đối thủ. Võ sĩ người Tây An dính đòn quá hiểm liền gục xuống sàn, thổ huyết rồi ngã lăn ra chết. Tất cả những người chứng kiến bên dưới võ đài đều bàng hoàng. Sau đó, khán giả đồng loạt vỗ tay như sấm. Họ đều ca ngợi Thích Đức Căn và sự lợi hại của công phu Thiếu Lâm.

Sau trận đấu sinh tử này, Thích Đức Căn nổi tiếng khắp thiên hạ. Nhưng với võ tăng Thiếu Lâm, ông lại luôn ám ảnh và day dứt bởi cú đòn ấy là vô tình, ông không thể ngờ được rằng nó lại lấy đi mạng sống của đối thủ như vậy.

Bị ép ký sinh tử trạng, cao tăng Thiếu Lâm đấm một cú làm đối thủ chết ngay tại chỗ - 1
(Ảnh minh họa).

Theo Baidu thì về sau, Thích Đức Căn nổi tiếng là người có "thần lực" của môn phái Thiếu Lâm. Một ngày nọ, có ba vị cao thủ tới từ Sơn Đông muốn tìm gặp Thích Đức Căn xin giao đấu để xem công phu của ông lợi hại tới đâu.

Thích Đức Căn trong lúc cao hứng đã cười và nói rằng: "Hôm nay, nếu ba huynh đệ có thể đánh tôi ngã xuống đất thì coi như tôi thua". Sau đó, Thích Đức Căn đã cùng một lúc đấu với cả ba người, rồi dùng La Hán quyền làm những đối thủ thay nhau ngã xuống đất, giãy đành đạch. Trận đấu kết thúc chóng vánh, cả ba vô cùng thán phục mà rời đi.

CÔNG PHU THƯỢNG THỪA, VỖ MỘT CÚ LÀM… CON BÒ CŨNG GÃY XƯƠNG

Theo Baidu thì Thích Đức Căn sinh năm 1914 ở tỉnh Hà Nam. Năm lên 6 tuổi, ông đã được gửi lên Thiếu Lâm Tự để tầm sư học đạo. Với tố chất trời cho, ông sớm trở thành môn đồ xuất sắc nhất ở Thiếu Lâm.

Theo những giai thoại kể lại thì Thích Đức Căn tinh thông rất nhiều công phu khác nhau của phái Thiếu Lâm và khinh công là môn được ông tập từ khi còn là một tiểu tăng.

Chuyển kể rằng hồi năm 7 tuổi, ông đã đeo những những miếng sắt vào sân để tập chạy bền và băng qua chướng ngại vật. Lớn hơn một chút, ông mặc cả quần áo được thiết kế bằng sắt rồi chạy hàng chục dặm đường rừng, bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Cổ tay và cổ chân của ông luôn đeo những thanh thép hoặc chì.

Bị ép ký sinh tử trạng, cao tăng Thiếu Lâm đấm một cú làm đối thủ chết ngay tại chỗ - 2
Ảnh minh họa về khinh công của Thích Đức Căn.

Thích Đức Căn còn nổi tiếng là người có "Thiết Sa Chưởng" với đôi tay cứng hơn sắt thép. Theo Baidu thì một ngày họ, ông trở về quê thăm người mẹ già. Hôm đó, mẹ của Thích Đức Căn dùng một con bò lớn để chở xe lúa, thấy bò đi chậm quá nên mới bảo con trai thúc cho bò đi nhanh hơn.

Nghe lời mẹ, Thích Đức Căn bước lại gần, dùng lòng bàn tay vỗ một cái vào mông con bò đực. Thế nhưng, thay vì khiến nó đi nhanh hơn, con bò lại khụy xuống do bị gãy hông. Về sau, câu chuyện sư phụ Thích Đức Căn vô tình dùng một cú vỗ làm gãy hông bò cũng được lan truyền khắp giới võ lâm.

Sau khi trở thành một cao thủ bất khả chiến bại của Thiếu Lâm Tự, vang danh khắp Trung Quốc thì đến năm 1946, ông đã trở thành Chưởng môn phái Thiếu Lâm và trực tiếp tham gia đào tạo võ Thiếu Lâm ở nhiều nơi. Bên dưới của ông lúc này có khoảng 30 đại đệ tử.

Bị ép ký sinh tử trạng, cao tăng Thiếu Lâm đấm một cú làm đối thủ chết ngay tại chỗ - 3
Dù là cao thủ lừng lẫy nhưng hòa thượng Thích Đức Căn lại qua đời năm 56 tuổi do mắc bệnh phổi.

Ngoài việc trực tiếp truyền dạy võ công Thiếu Lâm thì Thích Đức Căn còn có công lớn trong việc quảng bá môn phái thông qua việc viết nhiều cuốn sách về võ công và văn hóa Thiếu Lâm.

Sau nhiều cống hiến cho môn phái thì đến năm 1970, hòa thượng Thích Đức Căn viên tịch do mắc bệnh phổi, hưởng họ 56 tuổi. Cho đến nay, ông được hậu thế ca ngợi là hòa thượng xuất sắc nhất trong việc kế thừa và phát triển võ thuật Thiếu Lâm, và là nhà sư có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền võ thuật cổ truyền Trung Quốc thời kỳ hiện đại.

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)