Hồi cuối tháng 10 vừa qua, tờ báo KK News (Trung Quốc) có bài viết về chân dung huyền thoại võ thuật của môn phái Thiếu Lâm với tiêu đề: "Cao thủ Thiếu Lâm từ 30 năm trước đã có công phu tuyệt đỉnh, khi phương trượng Thích Vĩnh Tín còn là một chú tiểu".
Nhân vật này là Thích Hải Đăng, bậc cao tăng sở hữu võ công siêu phàm, được ví là "Kỳ nhân" của làng võ thuật Trung Hoa ở thế kỷ 20. Chúng tôi xin được lược dịch lại nội dung của bài viết trên tờ báo Trung Quốc.
"Chúng ta vẫn thường nghe tới câu nói "Thế giới Kungfu bắt nguồn từ Thiếu Lâm Tự". Câu nói này đủ cho thấy tầm quan trọng của Thiếu Lâm Tự đối với nền võ thuật Trung Hoa. Ngày nay, khi nhắc tới Thiếu Lâm Tự, người ta thường nghĩ ngay tới phương trượng trụ trì Thích Vĩnh Tín.
Thế giới không ai biết võ công thật sự của Thích Vĩnh Tín là gì. Nhưng cách đây hơn 30 năm, một vị đại sư ở Thiếu Lâm Tự có võ công thực thụ, sở hữu công phu siêu phàm. Khi người này đã vang danh giới võ lâm thì Thích Vĩnh Tín vẫn còn đang là một chú tiểu. Cao thủ Thiếu Lâm này là ai? Ông ấy thành thục những tuyệt kỹ võ công gì?
BẬC THẦY THIẾU LÂM VỚI VÕ CÔNG SIÊU PHÀM
Ngày nay, nhiều tác phẩm điện ảnh thường có những cảnh đánh đấm rất bắt mắt. Mặc dù những chiêu thức này có vẻ đẹp mắt nhưng không có nhiều giá trị thực tế.
Nhưng, những ai có hiểu biết nhất định về võ thuật Thiếu Lâm chắc chắn sẽ biết đến danh sư Thích Hải Đăng. Đây là vị đại sư không chỉ thi triển những đường nét võ công cực kỳ quyến rũ, mà điều quan trọng hơn, kỹ năng của ông còn có ý nghĩa thực tiễn rất cao.
Theo truyền thống thì các vị cao tăng thường tránh xa cuộc sống thế tục. Họ thích sống cuộc đời ẩn dật. Tuy nhiên, sư phụ Thích Hải Đăng không đi theo con đường thông thường. Ông ấy không những không tránh xa thiên hạ mà còn thường xuyên phô diễn kỹ năng của mình trước công chúng.
Theo truyền thống, các vị cao tăng thường chú trọng đến lòng từ bi, nên võ Thiếu Lâm chủ yếu là để tự bảo vệ bản thân hoặc rèn luyện thân thể, không quá hung hãng. Nhưng thực tế, võ thuật của hòa thượng Thích Hải Đăng khác xa với những điều này.
Võ công của hòa thượng Thích Hải Đăng rất thực dụng. Lý do cho sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ hoàn cảnh xuất thân đầy phức tạp của ông. Thích Hải Đăng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó cơ cực, tuổi trẻ đã phải trải qua nhiều đau đớn, bị người khác hành hạ.
Để tự cứu lấy bản thân, ông đã rèn luyện võ thuật. Ông học võ để chiến đấu với những kẻ đã ăn hiếp mình và điều đó khiến võ thuật của ông khác hẳn với võ thuật Thiếu Lâm truyền thống.
Trước khi đến với Thiếu Lâm Tự, võ công của sư phụ Thích Hải Đăng chủ yếu nhắm vào tấn công, luôn có tính sát thương rất cao. Sau khi đến Thiếu Lâm Tự, ông nắm vững những điểm quan trọng của phòng thủ và trở thành một chiến binh bất khả chiến bại với kỹ năng tuyệt đỉnh cả về tấn công lẫn phòng thủ.
Hòa thượng Thích Hải Đăng từng chiến đấu với nhiều địch thủ khác nhau nhưng chưa từng một lần thất bại. Có những lần, ông hạ gục đối thủ của mình chỉ bằng đúng một hoặc vài đòn. Trong giai đoạn này, Thiếu Lâm Tự vẫn giữ thái độ ủng hộ những gì mà sư phụ Thích Hải Đăng đã làm, mặc dù một số hành vi của ông không phù hợp với vai trò của một vị hòa thượng.
BỐN TUYỆT KỸ ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẠI SƯ THÍCH HẢI ĐĂNG
Là một cao thủ Thiếu Lâm Tự, đương nhiên đại sư Thích Hải Đăng có những kỹ năng độc đáo của riêng mình. Ông có 4 kỹ năng cực kỳ độc đáo mà đến nay, rất ít võ sư ở Trung Quốc có thể làm được.
Một trong những tuyệt kỹ độc đáo của hòa thượng Thích Hải Đăng phải kể tới thiền pháp. Ông từng ngồi thiền bất động trong hang suốt bảy ngày bảy đêm và không hề nhúc nhích. Điều này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, trong đó có sức mạnh thể chất tuyệt vời mà hiếm người sánh kịp. Phải khẳng định rằng từ xưa tới nay, các nhà sư đều có thói quen ngồi thiền nhưng không một ai có thể phá được kỷ lục do sư phụ Hải Đăng thiết lập.
Tuyệt kỹ thứ hai của sư phụ Thích Hải Đăng là Nhất Chỉ Thiền Công - thứ công phu mà có thể nói rằng ông vô địch thiên hạ. Ông đã dùng một ngón tay để chống toàn bộ cơ thể và giữ tư thế này trong vài phút. Đây là kỹ năng mà người không có công phu đỉnh cao sẽ không thể làm được.
Ngày nay, một số người trong giới võ lâm tuyên bố rằng họ có thể thi triển Nhất Chỉ Thiền giống như sư phụ Hải Đăng nhưng giữ được tư thế tới vài giờ. Đây chỉ là chiêu trò thu hút sự chú ý nhưng điều này thật sự nực cười.
Tuyệt kỹ thứ ba của sư phụ Thích Hải Đăng là nhuyễn công. Như chúng ta biết, Jiu-Jitsu là môn võ tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhuyễn công của sư phụ Thích Hải Đăng kỳ diệu hơn các võ sư Jiu-Jitsu rất nhiều. Chắc chắn, nếu không rèn luyện để có nền tảng tốt từ khi còn nhỏ, cho dù bạn có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, bạn sẽ không thể rèn luyện kỹ năng này.
Tuyệt kỹ thứ tư của sư phụ Thích Hải Đăng là Mai Hoa Thung Quyền. Công phu này có vài điểm khá giống với những tuyệt kỹ của Vịnh Xuân Quyền ngày nay, thường được luyện tập bằng mộc nhân. Tuy nhiên, Mai Hoa Thung Quyền của đại sư Hải Đăng biến ảo khôn lường và có rất ít võ sư ngày nay làm được như vậy.
Với đại sư Thích Hải Đăng, bốn tuyệt kỹ đã bổ sung cho nhau, giúp ông nâng cao ý chí, thể lực, sức chịu đựng để đạt tới cảnh giới đỉnh cao. Chắc chắn, bốn tuyệt kỹ này đủ để cho thấy kỹ năng toàn diện của Thích Hải Đăng là không thể so sánh được.
CÁI CHẾT BÍ ẨN KHÉP LẠI CUỘC ĐỜI ĐẦY TRANH CÃI
Ngày 10/1/1989, đại sư Thích Hải Đăng viên tịch tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, hưởng thọ 87 tuổi. Tuy nhiên, không ai biết nguyên nhân thật sự dẫn tới cái chết của ông. Cũng không ai biết đúng sai xung quanh tất cả những tranh cãi trong cuộc đời của ông. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là đại sư Thích Hải Đăng đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quảng bá võ thuật Thiếu Lâm.
Danh tiếng thường đi kèm với tranh cãi, điều đó rất đúng với Thích Hải Đăng. Sinh thời, hòa thượng Thích Hải Đăng không màng tới danh lợi, địa vị, tiền bạc. Ông cũng không bao giờ thanh minh bất kỳ điều gì trước những bình luận của mọi người. Có những thời điểm, ông trở thành một kẻ dối trá trong mắt một bộ phận giới võ lâm. Một số người coi ông là kẻ giả mạo dưới ngọn cờ của Thiếu Lâm Tự.
Người ta đã nghi ngờ về quá trình tầm sư học đạo của Thích Hải Đăng. Võ công của ông cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ông đã luyện tập võ thuật trước khi trở thành một người tu hành, nên chiêu thức của ông khác xa so với võ thuật Thiếu Lâm. Điều này càng khiến tranh cãi nổ ra nhiều hơn.
Thực tế, Thiếu Lâm Tự có thể khoan dung cho một số hành động của Thích Hải Đăng, nhưng với việc tranh cãi ngày càng gay gắt hơn, Thiếu Lâm Tự cũng muốn cắt đứt sợi dây liên kết với ông, để danh tiếng của ngôi chùa không bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, công lao của đại sư Thích Hải Đăng với Thiếu Lâm Tự vẫn là vô cùng to lớn. Dù vấp phải nhiều tranh cãi nhưng thời gian là thứ đã cho mọi người câu trả lời. Tình yêu võ thuật và sự chân thành của ông với Thiếu Lâm Tự đã được công nhận và tôn trọng, sau 30 năm kể từ khi ông lìa xa trần thế".
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)