Xuất hiện người ăn mày giàu nhất thế giới và đây là con số tài sản gây choáng của ông

25/09/2024 09:07:05

“Người ăn xin giàu nhất thế giới” có cuộc sống khác hẳn chúng ta hình dung.

Chúng ta thường mặc định ăn xin là những người nghèo khổ, bần cùng và tuyệt vọng. Thế nhưng, ẩn sâu trong lớp vỏ bọc ấy, nhiều người lại đang sống một cuộc đời trái ngược hoàn toàn. Bharat Jain (54 tuổi) được mệnh danh là "triệu phú ăn xin" hay “ăn mày giàu nhất thế giới” với khối tài sản lên đến 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng).

Ông Bharat Jain và gia đình đang sống trong căn hộ 2 phòng ngủ tại khu Parel (Mumbai), trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng.

Hàng ngày, ông Jain thường chọn những địa điểm đông đúc như ga tàu hoặc quảng trường công cộng để hành nghề. Trung bình mỗi ngày làm việc từ 10 đến 12 tiếng, ông có thể kiếm được khoảng 700 ngàn đồng.

Xuất hiện người ăn mày giàu nhất thế giới và đây là con số tài sản gây choáng của ông
Ông Bharat Jain

Ít ai biết rằng, "ông lão ăn xin" ấy lại là chủ nhân của khối tài sản khổng lồ với căn hộ 2 phòng ngủ. Tại đây, ông cùng vợ, 2 con trai, em trai và bố chung sống trong sự sung túc. Không chỉ chu toàn cho gia đình, ông Bharat Jain còn cho các con theo học tại một trường dòng danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp, các con ông Jain tiếp quản cửa hàng văn phòng phẩm của gia đình. Trong khi đó, em trai ông quản lý 2 cửa hàng cho thuê với giá 9 triệu đồng/tháng.

Theo truyền thông Ấn Độ, gia đình nhiều lần khuyên nhủ ông Jain từ bỏ công việc ăn xin nhưng đều bị phớt lờ. Giải thích cho lựa chọn của mình, ông cho biết bản thân không hề bị ép buộc mà hoàn toàn tự nguyện. Ông yêu thích cuộc sống tự do, không ràng buộc. Bên cạnh đó, “triệu phú ăn xin” cũng khẳng định bản thân không phải ăn xin vì túng thiếu, thậm chí còn thường xuyên quyên góp tiền cho các ngôi đền và tổ chức từ thiện.

Câu chuyện về Bharat Jain không phải là trường hợp cá biệt tại đất nước Ấn Độ. Trước đó, truyền thông cũng từng xôn xao về trường hợp của người ăn xin tên Sambhaji Kale với tài sản ròng hơn 4 tỷ đồng và Laxmi Das sở hữu khối tài sản trị giá 3 tỷ dồng. Những "triệu phú bất đắc dĩ" này chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự tồn tại của "ngành công nghiệp ăn xin" - ước tính trị giá khoảng 20 tỷ USD ở Ấn Độ.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều luật cấm ăn xin, tuy nhiên, hiệu quả mang lại là không đáng kể. Người dân vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người ăn xin trên khắp các đường phố. Thậm chí, nhiều người còn tổ chức thành các đường dây ăn xin chuyên nghiệp.

Theo Thanh Huyền (Phụ Nữ Mới)

Nổi bật