Xin từ A đến Á, từ 30k đổ xăng đến vay 2 triệu nộp học
Thời gian gần đây, trên Threads nói riêng và các MXH khác nói chung bỗng nở rộ một chiêu trò mới - xin tiền online, thường được cư dân mạng gọi một cách không mấy thiện cảm là "ăn xin online".
Quá trình này diễn ra rất đơn giản, không phải nhỏ bất cứ giọt mồ hôi nào hay làm việc gì tốn sức và tốn thời gian. Chỉ cần đăng một bài viết lên Threads về tình hình cấp bách của mình, đính kèm thông tin tài khoản ngân hàng gồm tên, số tài khoản hoặc mã QR rồi kêu gọi mọi người giúp đỡ. Thậm chí có người còn không thèm kể lể tình hình khốn khó hay đường cùng gì, chỉ xin là xin với nội dung huỵch toẹt: "Ai cho tui xin 2k đi ạ. Cảm ơn nhiều".
Chưa kể phần lớn bài đăng đều là đi copy với cùng nội dung kiểu: "Ai có tiền tài khoản không? Chuyển cho bảnh rồi chiều bảnh đưa tiền mặt cho" hoặc "Em vừa bị lừa, mọi người có thể giúp em 2-3k mua tạm gói mì, mua tạm suất cơm với ạ". Có khác chăng chỉ là số tài khoản cùng với ngân hàng mà thôi!
Sau đó những người tốt bụng và nhẹ dạ cả tin sẽ chuyển thẳng cho người xin, tạo nên một kiểu "ăn xin" hiện đại, gọn gàng. Tất nhiên, số tiền nhận được bao nhiêu, nhiều ít thế nào thì chỉ có chính người đi xin biết.
"Nạn nhân" sốc sau khi cho tiền
Đến đây hẳn nhiều người sẽ chậc lưỡi: "Sao lại có thể tin người qua vài dòng chữ trên mạng như vậy?". Nhưng sự thật là có nhiều người đã chuyển tiền giúp đỡ thật. Để rồi thứ họ nhận được là cái kết đắng như bị block hoặc "đã xem".
Một người dùng Threads tên N.Y kể lại: "Mình thấy bạn nữ kia đăng là 'Cầu mong mọi người chuyển giúp em 100k, em có việc rất cần tiền, em đội ơn mọi người'. Đọc xong mình cũng chuyển 100k luôn và nhắn tin hỏi thăm. Mấy ngày sau bạn đó vẫn im re, không nói năng gì luôn, vào xem thì thấy đã bị chặn mới biết mình dại".
"Ôi mình cũng thế. Chuyển khoản cho 50k xong mấy hôm sau vào thấy nick ấy xóa nick rồi. Dù mình chỉ muốn xem là sau đấy bạn ấy đã khá hơn chưa thôi" - tài khoản N.M nói về tình huống của mình
Đáng nói, đây không phải là 2 trường hợp hiếm hoi. Nhiều người cũng tiết lộ vừa chuyển khoản xong là bị block ngay, dù trước đó người xin tiền vẫn còn ngọt nhạt: "Em cảm ơn chị nhiều lắm chị ơi", "Mẹ con em ngàn lần xin đội ơn chị chị ơi".
Một cư dân mạng khác có nickname M.L chia sẻ câu chuyện xin tiền online từng gặp trên TikTok sang Threads để thảo luận vì thấy cấn cấn. Theo đó M.L tình cờ gặp bài đăng với nội dung đầy mùi mẫn: "Chào mọi người ạ. Em hiện tại là sinh viên học ở Hà Nội. Em viết những lời này không phải để xin tiền, cũng không muốn bị mọi người nói là ăn xin online. Thực sự em đang rất đói, em chỉ muốn nợ 1 phần cơm thôi ạ. Em có thể gửi ảnh giấy tờ tuỳ thân cho mọi người và sẽ trả lại khi ba mẹ có tiền gửi em. Em cảm ơn mọi người kiên nhẫn đọc lời than thở của em".
Thấy thương cảm cho bạn sinh viên kia, M.L liền nhắn tin hỏi địa chỉ để mua cơm cho thì người này không đồng ý, chỉ muốn "vay" 30k với lý do để mai nấu ăn vì hôm nay đã ăn mì rồi. Nghi ngờ câu trả lời này, M.L đã dùng một tài khoản khác để nhắn tin thì nhận được câu trả lời y hệt: không nhận cơm, chỉ nhận tiền.
Phía dưới bài đăng của M.L, dân tình khẳng định "văn" xin tiền này tràn lan trên MXH, từ TikTok đến Threads. Thậm chí có người còn đăng ảnh từ một tài khoản khác tên nhưng nội dung y hệt, giống từng dấu chấm dấu phẩy so với những gì mà M.L đã đăng về sinh viên kia.
Lòng tốt cũng cần được đặt đúng chỗ
Ngược lại, nhiều người "tỉnh đòn" hơn, nhanh chóng nhận ra những bài đăng này là hình thức ăn xin online và thẳng thắn chỉ trích đồng thời ra sức cảnh báo lẫn nhau nên tỉnh táo khi sử dụng MXH.
Họ chỉ ra điểm cơ bản rằng thiếu thốn đến đâu không biết nhưng vẫn có thể lên mạng và đi xin tiền người khác thì chắc chắn chưa lâm vào khó khăn thực sự. Những người này cũng khẳng định, nếu là người có lòng tự trọng thì sẽ đi tìm việc làm, thay vì lên mạng kể khổ xin tiền.
- Trời ạ! Tui nói là qua nhà tui, tui lấy cơm cho mà ăn nhưng có ai dám qua đâu. Tui thấy để tiền ủng hộ những người già vẫn còn mưu sinh ngoài đường hoặc gửi cho cơ quan chức năng có uy tín ấy.
- Cá nhân mình thương người thật, nhưng riêng ăn xin trên mạng thì mình không ủng hộ, gặp ngoài đời ăn xin thì mình còn giúp.
- Ở Facebook có bạn vào nhắn tin với mình xin bữa ăn. Mình hỏi ở đâu mình book ship tới thì bạn không chịu, chỉ xin tiền và nhất quyết đòi xin tiền. Mình thấy không ổn nên không cho luôn. 30k không nhiều nhưng cảm thấy số tiền mình cho không đúng người, không xứng đáng ấy. Nếu muốn ăn bữa cơm thì mình vẫn sẵn sàng mua đồ ăn đem qua, thậm chí hơn số tiền 30k đó rất rất nhiều.
- Mọi người đừng nên tin. Họ còn có điện thoại để nhắn tin xin xỏ gửi STK thì làm gì không có tiền mua cơm? Người có lòng tự trọng, nếu thật sự túng quẫn thì sẽ nghĩ cách chứ không lên xin xỏ như thế này đâu.
- Chỉ vài dòng chữ này mà mọi người đã tin tưởng rồi cho tiền hay sao? Như thế càng làm biến tướng việc ăn xin online này.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện chuyện ăn xin online và Threads cũng không phải là nơi duy nhất xảy ra tình trạng này.
Đầu năm 2023, ăn xin online trên TikTok trở thành một hiện tượng phổ biến ở Indonesia đến nỗi Chính phủ nước này buộc phải vào cuộc, lên tiếng kêu gọi công chúng ngừng "ăn xin và xin tiền, hàng hóa miễn phí". Vào thời điểm 2020, các nhà nghiên cứu tại Mỹ nhận định ngày càng nhiều người ở nước này xin tiền trên Twitter, TikTok và Instagram thông qua những nền tảng thanh toán trực tuyến.
Ở Việt Nam, tình trạng này cũng đã có từ trước đây, khá phổ biến trên các nền tảng như Facebook và TikTok. Nội dung các bài đăng đều là kêu gọi sự giúp đỡ cho chính mình hoặc người có hoàn cảnh khó khăn, được xuất hiện ở bất cư đâu, có thể trong các hội nhóm hay phần bình luận của bài đăng viral.
Vẫn biết lòng tốt là điều xứng đáng được hoan nghênh và lan toả nhưng khi lòng tốt đặt không đúng chỗ lại trở thành hành động tiếp tay và dung túng cho sự lừa lọc, còn bản thân vừa mất tiền vừa ôm cục tức vào người. Vì vậy cần nhấn mạnh điều quan trọng này một lần nữa: Hãy là người tỉnh táo khi sử dụng MXH!
Theo S.A (Thanh Niên Việt)