Hãng tin Reuters dẫn lời ông Richard Pebody, người đứng đầu nhóm mầm bệnh có mức độ đe dọa cao tại WHO châu Âu nói. Ông cũng cho biết, nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng virus ngay lập tức tương đối hạn chế.
Thông tin trên được công bố khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, họ đang trong quá trình đưa ra một số liều vắc xin Jynneos để sử dụng trong các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ.
Hôm 23/5, Chính phủ Đức cho biết đang đánh giá các lựa chọn tiêm chủng trong khi Anh đã tiêm phòng cho một số nhân viên y tế. Giới chức y tế công ở châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 ca nghi nhiễm và ca đã xác nhận nhiễm virus trong đợt bùng phát virus đậu mùa khỉ tồi tệ nhất ở ngoài châu Phi.
Theo ông Pebody, các biện pháp chính để kiểm soát sự bùng phát dịch là truy vết tiếp xúc và cách ly. Quan chức này lưu ý, đây không phải là một loại virus dễ lây lan và cho tới nay, nó chưa gây ra bệnh nghiêm trọng. Vắc xin dùng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ có thể có một số tác dụng phụ đáng kể.
Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của căn bệnh này. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của các ca bệnh và liệu có điều gì đó về virus đã thay đổi hay không.
Một quan chức điều hành cấp cao khác tại WHO hôm 23/5 nói chưa có bằng chứng nào về việc virus đã biến đổi. Nhiều người được chẩn đoán nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới nhất là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Hầu hết các ca nhiễm không liên quan tới du lịch ở châu Phi, do đó, điều này cho thấy có thể một số lượng lớn ca mắc chưa được phát hiện. Một số cơ quan y tế nghi ngờ rằng bệnh đã lây lan trong cộng đồng ở mức độ nào đó.
"Vì thế, những gì chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", ông Pebody cho hay.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)