Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm thường phổ biến ở vùng Tây hoặc Trung Phi. Tuy nhiên, gần đây các ca bệnh đã xuất hiện tại các nước châu Âu và nhiều nước khác.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 22/5, có 92 ca đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi nhiễm tại 12 quốc gia. Cơ quan này cho rằng sắp tới, các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mở rộng giám sát.
Virus nguy hiểm đến đâu?
Trong cuộc họp giao ban ngày 20/5, một quan chức y tế công cộng Mỹ cho biết rủi ro của căn bệnh đối với công chúng khá thấp ở thời điểm hiện tại.
Đậu mùa khỉ cùng họ với đậu mùa, nhưng nhẹ hơn. Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi.
Giới chức Mỹ cho biết hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn trong vòng hai đến 4 tuần. Virus không dễ lây truyền như Covid-19, khó tạo ra đại dịch với mức độ tương đương.
Các chuyên gia tin rằng đợt bùng phát đậu mùa hiện tại lây lan qua tiếp xúc gần, thân mật với người đã có triệu chứng phát ban. Như vậy, virus dễ kiểm soát hơn một khi đã xác định được nguồn lây.
"Covid-19 chủ yếu truyền qua đường hô hấp và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh đậu mùa khỉ không như vậy", tiến sĩ Martin Hirsch, bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết.
David Heymann, ủy viên WHO, cho rằng virus đang được lan truyền chủ yếu thông qua đường tình dục.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Sốt
• Đau đầu
• Đau nhức cơ
• Đau lưng
• Sưng hạch bạch huyết
• Ớn lạnh
• Kiệt sức
Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm bệnh đến khi phát triệu chứng) là 7-14 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Trong vòng 1 - 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban, thường bắt đầu nổi mụn mủ ở mặt và sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
Số lượng mụn mủ nước có thể từ xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt.
Những nốt mụn mủ này sẽ "chín" lên rồi vỡ ra rất xấu xí. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.
Bạn có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ như thế nào?
Bạn có thể nhiễm virus do vết cắn hay vết cào xước từ động vật nhiễm đậu mùa khỉ, do ăn thịt sống, tiếp xúc với người nhiễm virus hoặc chạm vào ga trải giường hay quần áo nhiễm virus.
Virus thâm nhập vào cơ thể qua tổn thương da, đường thở và niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).
Lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu qua giọt bắn lớn đường hô hấp, nhìn chung là các giọt bắn này khó có thể văng xa vài m, so vậy để có thể lây được đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp khá lâu.
Một số chuyên gia bình luận về ổ dịch ở Anh quốc gần đây cho rằng còn quá sớm để kết luận đậu mùa khỉ lan truyền qua đường tình dục, dù đó có thể là một khả năng.
"Các ca gần đây gợi ý một khả năng lây truyền tiềm năng", Neil Mabbott - chuyên gia tại Đại học Edinburgh, cho biết thêm các virus liên quan từng được biết tới lây qua đường tình dục.
Keith Neal, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết lây truyền có thể không xảy ra trong hoạt động tình dục mà chỉ là "sự tiếp xúc gần gắn với hoạt động tình dục".
CDC Mỹ trong một tuyên bố nhấn mạnh "bất cứ ai, dù cho là xu hướng tình dục như thế nào, cũng có thể lây truyền bệnh đậu mùa khỉ thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, vết loét đậu mùa khỉ, và đồ vật dùng chung (như quần áo và ga gối) bị nhiễm virus."
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Có một số biện pháp để ngăn ngừa nhiễm virus đậu mùa khỉ:
- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như khăn trải giường, đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị bệnh.
- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.
- Sử dụng đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân.
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ thường là sẽ tự khỏi theo cách của nó, nhưng một loại thuốc chống virus đường uống có tên là Tecovirimat đã được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn đầu năm nay để điều trị bệnh đậu mùa (smallpox), bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) và cowpox. Nó có thể hạn chế sự lây lan của virus cũng như ngăn bệnh nặng.
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Tuy nhiên do bệnh đậu mùa đã được xóa sổ từ hơn 40 năm trước nên các loại vaccine thế hệ đầu không còn được tiêm cho người dân.
Một loại vaccine mới do Bavarian Nordic phát triển nhằm phòng ngừa cả đậu mùa lẫn đậu mùa khỉ đã được phê chuẩn ở EU, Mỹ và Canada, nhưng chưa được lưu hành rộng rãi. Ngoài ra, thuốc kháng virus khác cũng đang được phát triển.
PN (Nguoiduatin.vn)