Một nghiên cứu mới chưa được bình xét ở Nhật Bản cho thấy những đột biến của biến thể Lambda, vốn đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có thể kháng vaccine.
Trong nhiều tháng, giới chuyên gia đã cảnh báo về khả năng một biến thể mới có thể né vaccine. Trong trường hợp tệ nhất, các hãng dược có thể sẽ phải phát triển vaccine mới để tiêm chủng cho người dân, theo Newsweek.
Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO về Covid-19, hôm 04/08 thừa nhận các đột biến trên protein gai của biến thể Lambda rất đáng lo ngại, bởi bất cứ khi nào virus thay đổi cũng có nguy cơ vô hiệu hóa vaccine. Tuy vậy, bà cho biết WHO chưa coi Lambda là biến thể gây lo ngại, ít nhất tại thời điểm này.
Quyết định coi một biến thể là "đáng lo ngại" thay vì "đáng chú ý" của WHO được đưa ra dựa trên việc đánh giá nhiều yếu tố, trong đó có khả năng lây lan trong một khu vực nhất định, theo bà Van Kerkhove.
Ở thời điểm hiện tại, Van Kerkhove cho biết Lambda dường như "không lây lan nhanh sau khi được báo cáo ở một quốc gia nào đó".
Biến thể Lambda lần đầu được báo cáo ở Peru vào tháng 12/2020, tuy vậy Van Kerkhove cho rằng ở nước này biến thể Gamma gây lo ngại nhiều hơn, theo Tổ chức Y tế Xuyên châu Mỹ. Hiện đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo ca nhiễm biến thể Lambda, bao gồm Mỹ, theo WHO.
Newsweek dẫn lời Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết biến thể Lambda lần đầu được phát hiện ở nước này hôm 20/01. Mỹ sau đó đã ghi nhận hơn 600 trường hợp nhiễm biến thể này tại ít nhất 30 tiểu bang, tuy vậy hiện số ca nhiễm chỉ chiếm 1%.
Giới chức y tế Mỹ tới lúc này cũng chưa coi Lambda là biến thể đáng lo ngại hay đáng chú ý, tuy vậy đang "chủ động theo dõi" các trường hợp mắc biến thể.
Trong một nghiên cứu đăng tải trên trang web bioRxiv, các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ phát hiện biến thể Lambda đã xuất hiện tại nhiều nơi ở Nam Mỹ "có liên quan chặt chẽ" tới một đột biến của virus SARS-CoV-2 mà họ tin là có thể kháng vaccine. Lý do họ tin biến thể này kháng vaccine là bởi một đợt bùng phát ở Chile.
Hơn 70% dân số có thể tiêm chủng của Chile đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu Nhật Bản lưu ý rằng đợt bùng phát Covid-19 ở nước này hồi mùa Xuân có thể cho thấy biến thể Lambda hiệu trong việc né tránh miễn dịch mà vaccine tạo ra.
Ngoài nguy cơ về khả năng né tránh vaccine, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng virus có thể lây nhiễm nhanh hơn, hai yếu tố được cho là "rất quan trọng" trong quá trình lây lan ở con người.
Reuters dẫn lời một số nhà nghiên cứu cho rằng hiện tại Lambda chưa được xem xét nghiêm túc do WHO mới chỉ coi nói là "biến thể đáng chú ý".
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)